Tính đến 5 giờ sáng 31-3 (giờ địa phương), số người chết tại Ý hiện đã là 11.591, cao nhất thế giới, tăng tới 812 người chỉ trong 24 giờ, kênh Channel News Asia dẫn số liệu từ Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý. Số người chết ở Ý ngày 29-3 tăng lại sau hai ngày giảm.
Đau lòng hơn, trong số người chết ngày 30-3 có tới 11 bác sĩ, theo thông báo từ Hiệp hội Bác sĩ Quốc gia Ý. Như vậy tính đến lúc này tại Ý đã có tới 61 bác sĩ ra đi trong cuộc chiến chống COVID-19.
Miền Bắc vẫn lao đao COVID-19
Tình hình nhiễm có khả quan hơn. Ngày 30-3 Ý có 4.050 ca nhiễm mới, mức nhiễm mới một ngày thấp nhất kể từ ngày 17-3, đưa tổng số ca nhiễm nước này hiện là 101.739.
Tuy nhiên theo CNA, việc giảm số ca nhiễm mới có thể một phần do Ý những ngày qua giảm quy mô xét nghiệm. Số lượng xét nghiệm COVID-19 ở Ý ngày 30-3 ở mức thấp nhất trong sáu ngày qua.
Nhân viên y tế tại một bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô Rome (Ý). Ảnh: REUTERS
Ý đã bước sang tuần phong tỏa thứ tư. Ba tuần qua, phần lớn cửa hàng, quán bar, nhà hàng đóng cửa. Người dân bị cấm ra khỏi nhà trừ khi có nhu cầu thiết yếu.
Lệnh phong tỏa của Ý theo lịch sẽ hết hạn vào ngày 3-4 tới. Tuy nhiên, chính phủ Ý ngày 30-3 cho biết sẽ kéo dài thêm đến ít nhất đến mùa lễ Phục sinh (năm nay nhằm ngày 12-4).
“Theo tính toán là sẽ kéo dài tất cả biện pháp kiềm chế ít nhất đến lễ Phục sinh. Chính phủ sẽ đi theo hướng này” - Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza tuyên bố sau cuộc họp với một ủy ban khoa học cố vấn cho chính phủ về phản ứng chống dịch.
Vùng Lombardy - tâm dịch với 60% ca tử vong và 40% ca nhiễm cả nước Ý vẫn sẽ duy trì các lệnh cấm đi lại, cấm tụ tập, ngưng các hoạt động kinh doanh.
Theo Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Silvio Brusaferro - có trách nhiệm cố vấn chính phủ cách xử lý khủng hoảng COVID-19, các lệnh cấm chỉ được dỡ khi nào “số ca nhiễm mới giảm thật sự đáng kể”.
Miền Nam vừa lo COVID-19 vừa lo mafia
Trong lúc chính phủ Thủ tướng Giuseppe Conte nỗ lực thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc thì khu vực miền Nam nước này đang dần có nguy cơ trở thành “thùng thuốc súng”, theo mô tả của Bloomberg.
Từ nhiều ngày trước các nhà chức trách ở miền Nam kém về kinh tế đã lo ngại khu vực này sẽ trở thành “địa ngục” COVID-19 như những gì đã và đang xảy ra tại miền Bắc giàu có. Nhiều vùng ở miền Nam cho biết các lệnh cấm đi lại sẽ được duy trì đến tháng 5.
Ngoài nỗi lo COVID-19, lệnh phong tỏa còn đặc biệt ảnh hưởng đến 3,7 triệu người Ý lao động tự do vì không có lương thường xuyên và cũng khó tiếp cận trợ cấp thất nghiệp. Mà phần nhiều những người này tập trung ở miền Nam.
Ở miền Nam, “nhiều người phải chạy ăn từng bữa, làm đủ thứ công việc không tên như bốc dỡ hàng ở các chợ và họ đang khó khăn” - một lãnh đạo cảnh sát ở miền Nam nói với Bloomberg qua điện thoại.
“Chúng tôi phải cảnh giác với khả năng có thể có tội phạm có tổ chức đằng sau các bất ổn xã hội” - lãnh đạo cảnh sát này nói thêm.
Vì thế, ngăn chặn bất ổn tại các vùng ở miền Nam như vùng Mezzogiorno (một địa phương kém phát triển) đang là một ưu tiên của chính phủ Ý, Bloomberg dẫn thông tin từ nhiều quan chức Ý có tham gia bàn về chiến lược của chính phủ.
Tại TP Palermo thủ phủ vùng Sicily ở miền Nam, trước các siêu thị những ngày qua thường xuyên có cảnh sát canh gác, sau khi xuất hiện tình trạng dân vào mua hàng không trả tiền.
Binh sĩ Ý canh gác tại TP Palermo, vùng Sicily (miền Nam Ý). Ảnh: EPA
Cảnh sát được triển khai trên các tuyến đường Palermo trong bối cảnh có thông tin nhiều băng nhóm tội phạm dùng mạng xã hội để lên kế hoạch tấn công cướp bóc các cửa hàng. Trên Facebook xuất hiện một nhóm có tên Cách mạng Quốc gia 2.600 thành viên đang kêu gọi tổ chức các cuộc cướp bóc, theo báo la Repubblica. Một số nền tảng mạng xã hội khác trong đó có WhatsApp cũng đang bị cảnh sát theo dõi.
Ông Giuseppe Provenzano - phụ trách các vấn đề miền Nam trong nội các của Thủ tướng Conte cho rằng cần phải phát tiền khẩn cấp cho những thành phần bị ảnh hưởng nặng, kể cả những người làm ngành nghề trái pháp luật. Nếu không rất có khả năng các băng nhóm tội phạm có tổ chức sẽ lợi dụng tình hình này, vung tiền ra thu phục họ.
Theo lãnh đạo nhóm hạ nghị sĩ đảng Dân chủ - đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Conte, chính phủ cần hành động nhanh, không trì hoãn, “làm tất cả những gì có thể để đáp ứng các nhu cầu cần thiết của các gia đình”.
Thách thức quá lớn với Thủ tướng Conte
Ý đang là nước có dịch nghiêm trọng nhất châu Âu và cũng là nước nợ nần nguy hiểm nhất Liên minh châu Âu (EU). Ý đang muốn EU cùng chung tay hỗ trợ nhưng nhiều nước trong đó có Đức chưa đồng ý. Nếu Ý không thuyết phục được EU đồng lòng thì tình cảnh của Ý sẽ rất khó khăn.
“Chúng ta cần hành động nhanh, còn hơn cả nhanh. Khổ sở, khốn cùng có thể biến thành bạo lực” - Thị trưởng Pelermo, ông Leoluca Orlando nói.
Thủ tướng Conte đang bàn thảo về một gói kích thích kinh tế trị giá ít nhất 30 tỉ euro (33 tỉ USD) dự kiến sẽ ban hành giữa tháng 4. Trước đó Ý đã ban hành một gói giải cứu trị giá 25 tỉ euro.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte họp báo tại Rome (Ý) ngày 28-3. Ảnh: EPA
Trong khoảng 25 tỉ euro đã thông báo, Thủ tướng Conte cố gắng chuyển một phần tiền về miền Nam. Cuối tuần rồi ông cho chuyển 4,3 tỉ euro cho các chính quyền tự trị ở miền Nam, chuyển 400 triệu euro cho các thị trưởng và số tiền này sẽ được quy thành các phiếu mua hàng phát cho dân.
“Sẽ không ai bị bỏ lại phía sau” - Thủ tướng Conte nói trên truyền hình.
Tuy nhiên, các lãnh đạo ở miền Nam cần nhiều hơn thế.
Có thể nói thách thức với Thủ tướng Conte lúc này quá lớn, không chỉ thực hiện cho được phong tỏa trong nước, ông còn phải cố để ngăn không để hệ thống y tế Ý sụp đổ, chưa kể ráng thuyết phục Liên minh châu Âu cùng chung tay hỗ trợ, giảm áp lực tài chính cho Ý. Sản lượng kinh tế Ý khả năng sẽ giảm 6,5% trong năm 2020, theo tổ chức nghiên cứu Prometeia.