Sân riêng sao lại thành hẻm chung?

“Cái hẻm mà ủy ban cho rằng đây là lối đi công cộng, của chung ba nhà vốn là sân riêng của gia đình tôi gần 40 năm nay. Ủy ban không chuẩn xác, ra phán quyết thiếu khách quan gây thiệt thòi, khó khăn cho gia đình tôi” - bà Mai Thị Quy (193/9 Bà Hạt, phường 9, quận 10, TP.HCM) phản ánh.

Theo bà Quy, vợ chồng bà mua nhà này từ năm 1976. Bản vẽ kèm theo giấy mua bán thể hiện trước nhà có một khoảng sân dài 8,55 m và rộng 2,3 m và là lối đi duy nhất ra đường bởi hai bên là nhà hàng xóm. Từ lúc mua nhà đến nay, bà thường chứa gạo, mở cơ sở mộc và mua bán hàng ăn ở phần sân trên.

Rắc rối bắt đầu xảy ra khi bà xây lại nhà vào năm 2011. Lúc đó, bà bị quận yêu cầu tháo dỡ cổng rào mới xây (nhằm thay thế cổng cũ), đồng thời nhà lân cận đâm đơn tranh chấp phần sân.

Gia đình bà Quy không đồng tình khi quận cho rằng phần sân nhà bà là hẻm chung của ba hộ. Ảnh: CT

Tháng 8-2012, UBND quận 10 giải quyết vụ việc và kết luận: Diện tích đang tranh chấp là lối đi vào nhà 193/9 (nhà bà Quy). Cả ba nhà không hộ nào có chủ quyền, do đó phần đất trên là đất công. Quận yêu cầu khi ai có nhu cầu sử dụng thì phải có sự thỏa thuận của cả ba hộ và phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về cổng rào, cần thiết phải có để ngăn ngừa tệ nạn xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường nhưng cổng không được khóa, nếu có khóa thì mỗi hộ giữ một chìa.

Bà Quy không bằng lòng với phán quyết này. Bà cho biết trong hồ sơ của gia đình có xác nhận của những hộ dân sống lâu năm ở lân cận và nguyên chủ tịch và phó chủ tịch UBND phường trước đây thể hiện gia đình bà sử dụng phần sân này gần 40 năm qua. Năm 1989, phần sân được cộng vào để tính lệ phí trước bạ cho ngôi nhà trên. Bà cũng đã đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho phần sân này. Còn theo quyết định năm 2005 của UBND quận về quy hoạch hẻm, phần sân không bị ghi chú là hẻm. Đặc biệt là UBND phường từng từ chối cho nhà lân cận trổ cửa sổ vì lý do đây là sân và cũng là lối đi duy nhất của gia đình bà. Do tin tưởng quá trình sử dụng ổn định lâu dài trước sau gì cũng là sân của mình nên khi làm giấy tờ nhà, bà không yêu cầu địa phương cấp luôn phần sân này.

“Nói gì thì nói, trên thực tế, khoảng sân kia là của gia đình tôi. Địa phương không thể không xem xét đến nguồn gốc và quá trình sử dụng của gia đình. Quận cho rằng đó là hẻm chung là xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của chúng tôi. Chưa kể, cổng rào không được khóa hoặc phải giao chìa khóa cho các hộ dân bên cạnh là quá vô lý. Tôi đang tiến hành nhờ tòa bảo vệ quyền lợi. Tôi không đồng tình với quyết định trên của quận” - bà Quy cho biết.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch UBND quận 10, cho hay quận đã giải quyết đúng quy trình như tổ chức hòa giải, đối thoại và thu thập các tài liệu liên quan. Quận nhận thấy phần đất tranh chấp chưa có nhà nào được cấp giấy, trong khi có những chứng cứ như hình ảnh chụp lại từ trước năm 1970 cho thấy nhà lân cận có trổ cửa vào phần lối đi này nên nó là lối đi chung. Cộng thêm một số yếu tố khác, quận nhận định đây là lối đi chung của cả ba hộ là đúng.

CẨM TÚ

 

Hẻm chung là không phù hợp

Quận cho rằng bà Quy không có quyền sử dụng đối với phần sân tranh chấp là không chính xác. Văn tự mua bán nhà và bản vẽ đính kèm đã thể hiện phần diện tích này là thuộc căn nhà trên. Đó là chứng cứ cho thấy phần sân này thuộc phía bà Quy chứ không phải là hẻm chung. Còn việc chủ nhà do không hiểu biết nên lúc cấp lại giấy hồng họ chừa phần sân này ra thì quận phải cho bổ sung. Không thể cho rằng đang có tranh chấp thì phần sân riêng bị biến thành lối đi chung cho cả ba hộ. Như vậy là phủ nhận quá trình sử dụng và những chứng cứ pháp lý đã được công nhận trước đó.

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm