Thời gian nghỉ ốm hưởng chế độ có đóng BHXH không?

Cho tôi hỏi trong khoảng thời gian nghỉ theo chế độ ốm đau thì người lao động (NLĐ) có phải đóng BHXH không? Nếu không đóng thì khoảng thời gian nghỉ đó NLĐ sẽ bị gián đoạn khi tính chế độ nghỉ hưu thì tính như thế nào?

Bạn đọc có địa chỉ email thanhha…@yahoo.com.vn

BHXH TP.HCM trả lời: Theo quy định tại Quyết định 595/QĐ-BHXH thì NLĐ khi nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH của tháng đó. Khi giải quyết chế độ hưu trí thì không tính những tháng đã nghỉ chế độ ốm đau trong tổng thời gian đóng BHXH.

Nghỉ ốm đau thường và ốm đau dài ngày khác nhau ra sao?

Trước đây tôi bị bệnh thận và đã ghép thận. Sau một thời gian chữa trị, giờ tôi đang đi làm cho một công ty tư nhân, được đóng BHXH đầy đủ. Vừa rồi trong người cảm thấy mệt, tôi định làm thủ tục nghỉ ốm dài ngày. Tuy nhiên, tôi không biết nghỉ ốm đau thường và ốm đau dài ngày khác nhau như thế nào?

NAM (Quận Thủ Đức, TP.HCM)

BHXH TP.HCM trả lời: Bệnh dài ngày là những bệnh có trong danh mục bệnh dài ngày theo Thông tư 14/2016/TT-BYT. Nếu ốm đau phải nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trong tháng trở lên thì tháng đó không phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Quỹ BHXH đóng tiền BHYT để NLĐ có thẻ BHYT trong thời gian điều trị bệnh dài ngày.

Nghỉ ốm đau thường sẽ được nghỉ tối đa 30, 40, 60 ngày tùy thời gian đã đóng BHXH. Nghỉ ốm bệnh dài ngày được nghỉ tối đa 180 ngày. Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

Mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với trường hợp tiếp tục điều trị sau 180 ngày được quy định như sau: Bằng 65% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên; bằng 55% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 đến dưới 30 năm trở lên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm