Tránh “trên tốt, dưới xấu” khi thực hiện Luật Tiếp công dân

Tôi cho rằng đây là những động thái kịp thời, hợp lòng dân. Điều mà người dân còn thấy băn khoăn là hiện nay ở nhiều địa phương công tác tiếp công dân còn nhiều hạn chế, yếu kém. Ở một số địa phương, lãnh đạo còn chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vị trí và tầm quan trọng của công tác tiếp công dân.

Thậm chí nhiều nơi còn có những biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm với việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người dân, xem người khiếu nại, tố cáo là những “cái gai”, “hạt sạn” trong công tác quản lý, là “nhân tố” gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, thậm chí bị trù dập. Không ít trường hợp người đứng đầu các cơ quan, địa phương trong suốt thời gian dài (do những lý do khách quan và chủ quan) không tổ chức và trực tiếp tiếp xúc với công dân mà khoán trắng cho các bộ phận chức năng.

Do đó, để Luật Tiếp công dân mà cụ thể là quy định người đứng đầu phải trực tiếp tổ chức và tiếp công dân ít nhất một tháng một lần một cách có hiệu quả thực sự, phù hợp với nguyện vọng của đại đa số người dân, cần phải: Quyết liệt trong triển khai thực hiện, tránh trường hợp “trên tốt, dưới xấu”, “trên bảo dưới không nghe”, “trên có chính sách, dưới có đối sách”. Đối với những trường hợp làm qua loa, chiếu lệ, đối phó, không có hiệu quả thực chất trong công tác tiếp công dân thì cần chế tài đủ mạnh, thậm chí xem xét tư cách và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Cạnh đó, cần thực hiện “ba công khai” trong công tác tiếp công dân. Đó là công khai ngày tiếp dân (có thể cố định trong tháng); công khai đối tượng được tiếp (vì số lượng đơn thư khiếu nại tố cáo nhiều cần phải lịch trình giải quyết, tránh trường hợp “nhờ đỡ”, “cửa sau” để được gặp lãnh đạo); công khai kết quả sau mỗi lần tiếp công dân.

Thứ nữa là tăng cường chức năng của các tổ chức tư vấn và hỗ trợ pháp lý ở các địa phương nhằm tránh những trường hợp “mù pháp luật” của người dân, nhất là đối tượng có nhu cầu khiếu kiện, khiếu nại. Các tổ chức tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý ở các địa phương sẽ là người hướng dẫn, định hướng, sàng lọc, khuyên giải và hỗ trợ pháp lý cho người dân. Tránh tình trạng bát nháo trong khiếu kiện khiếu nại, khiếu kiện khiếu nại không đúng pháp luật, gây ra những lãng phí cho cá nhân và xã hội và việc tiếp công dân sẽ không đúng đối tượng và không đạt được hiệu quả.

TS PHẠM ĐI, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm