Giả nhân viên để lấy xe của khách, tội gì?

Mới đây, TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm, hủy bản án sơ thẩm trong vụ Nhan Minh Triều và Trần Minh Tiến chiếm đoạt xe máy, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm xét xử lại cho đúng tội danh. Trước đó, ngay từ giai đoạn sơ thẩm, giữa tòa sơ thẩm và VKS cũng đã không thống nhất được về tội danh của hai bị cáo này.

Cặp bài trùng tội phạm

Theo hồ sơ, Triều và Tiến quen biết qua mạng, bàn nhau tìm cách chiếm đoạt tài sản của người khác đem bán lấy tiền chia nhau tiêu xài. Để thực hiện ý định, Triều làm giả một bộ hồ sơ xin việc và một giấy CMND với giá 1,5 triệu đồng.

Ngày 4-5-2015, cả hai gặp nhau tại Bến xe Miền Tây. Triều báo với Tiến là có một bộ hồ sơ xin việc giả, bảo Tiến giới thiệu vào làm nhân viên giữ xe tại một tiệm Internet trên đường Thoại Ngọc Hầu (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú). Mục đích Triều xin vào làm việc tại đây là nhằm lợi dụng sơ hở lấy xe của khách đem bán. Sau đó, Tiến dẫn Triều đến gặp người quản lý tiệm Net trên và Triều được nhận vào làm nhân viên giữ xe.

Chiều 9-5-2015, một người khách vào tiệm Net, gửi xe cho Triều. Khi người này nhận thẻ vào trong, Triều thấy chìa khóa xe còn trên ổ khóa nên nảy sinh ý định chiếm đoạt bèn nhắn tin cho Tiến (đang chơi game phía trong) bảo Tiến ra ngoài, chỉ cho thấy chiếc xe trên. Triều nói Tiến về nhà đợi trước, Triều sẽ lợi dụng sơ hở của mọi người lấy xe của khách về gặp sau.

Sau khi Triều lấy được xe, Tiến đăng thông tin bán xe trên Facebook thì bị khách và chủ tiệm Net phát hiện, báo công an. Ba ngày sau, Tiến gọi điện thoại báo với Triều có người chịu mua xe trên với giá 7 triệu đồng. Cả hai hẹn người mua xe đến một quán cà phê ở quận Bình Tân để bán xe thì bị công an bắt. Theo định giá, chiếc xe mà Tiến và Triều chiếm đoạt có giá trị 19 triệu đồng.

Lừa đảo hay lạm dụng?

Tiến và Triều bị khởi tố, truy tố về hai tội là lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS) và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 267 BLHS).

Xử sơ thẩm, TAND quận Tân Phú nhận định việc truy tố hai bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không có cơ sở, không đúng với hành vi phạm tội. Trong trường hợp này, hành vi của hai bị cáo cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140 BLHS). Từ đó tòa phạt Triều chín tháng tù, Tiến sáu tháng tù về tội danh trên, đồng thời phạt mỗi bị cáo sáu tháng tù về làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Không đồng tình, VKSND quận Tân Phú kháng nghị, yêu cầu tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng các bị cáo còn phạm tội lừa đảo chứ không phải tội lạm dụng. Theo VKS, cả hai có thủ đoạn gian dối khi sử dụng giấy tờ giả xin việc để chiếm đoạt xe, tức ý thức chiếm đoạt tài sản có từ trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Tại phiên phúc thẩm mới đây của TAND TP.HCM, Triều khai rằng lời khai tại CQĐT về việc bàn bạc với Tiến xin làm nhân viên giữ xe của tiệm Net để chờ thời cơ chiếm đoạt xe của khách là không chính xác. Nguyên nhân là lúc đó Triều “hoảng loạn do bị đánh”. Triều nói thực ra chỉ nảy sinh ý định phạm tội từ sau khi được vào làm việc tại tiệm Net. Khi khách đến tiệm Net gửi xe, thấy khách còn để chìa khóa cắm vào ổ khóa xe thì Triều mới nghĩ đến việc lấy chiếc xe này...

Luật sư của Triều cũng đề nghị tòa phúc thẩm giữ nguyên tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bản án sơ thẩm vì thời điểm Triều nảy sinh ý định phạm tội là sau khi được vào tiệm Net làm việc.

Xét thấy lời khai của bị cáo có khác với hồ sơ nên TAND TP.HCM đã hủy án để xét xử lại như đã nói. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn tiến mới.

“Xử tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

Hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS) và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140 BLHS) đều có mức án cao nhất là tù chung thân. Tuy nhiên, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có mức phạt tù thấp nhất là ba tháng, trong khi tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có mức phạt tù thấp nhất là sáu tháng nên tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là tội nhẹ hơn tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo tôi, hai bị cáo phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là chính xác bởi việc chiếm đoạt đó dựa trên các hợp đồng rồi bỏ trốn. Cụ thể, Triều làm hồ sơ xin việc giả để ký hợp đồng lao động làm nhân viên giữ xe, mặt khác thẻ giữ xe cho khách cũng được coi là một dạng hợp đồng gửi giữ tài sản. Việc Triều chiếm đoạt được xe là dựa trên sự tín nhiệm của chủ tiệm Net cũng như khách gửi xe.

Luật sư VŨ QUANG ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm