Ra mắt VKSND cấp cao tại TP.HCM

(PL)- Theo luật mới, VKSND được tổ chức bốn cấp, tương ứng với bốn cấp tòa gồm VKSND Tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện.

Ngày 15-6, lãnh đạo VKSND cấp cao tại TP.HCM đã có buổi gặp gỡ báo chí giới thiệu việc thành lập cơ quan mới này. Theo đó, VKSND cấp cao tại TP.HCM được chính thức thành lập từ 1-6-2015 và quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan VKS này có hiệu lực từ ngày 15-6-2015. Ông Nguyễn Văn Quảng được bổ nhiệm làm viện trưởng cùng bốn viện phó là các ông Võ Văn Thêm, Nguyễn Thanh Sơn, Lê Xuân Hải và Nguyễn Thế Thành.

Theo Luật Tổ chức VKSND, VKS được tổ chức theo bốn cấp, tương ứng với bốn cấp tòa gồm VKSND Tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện. từ 1-6-2015, VKSND cấp cao (cấp VKS mới so với quy định hiện hành) sẽ gánh phần việc thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm của VKSND Tối cao và thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của VKSND cấp tỉnh.

Ban lãnh đạo VKSND cấp cao tại TP.HCM. Ảnh: HY

Viện trưởng Nguyễn Văn Quảng cho biết thẩm quyền tố tụng của VKSND cấp cao tại TP.HCM có cơ sở, nền tảng từ Viện Phúc thẩm III (cũ). Tuy nhiên, thẩm quyền của viện này được mở rộng hơn, đó là quyền tố tụng về giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi lãnh thổ thuộc thẩm quyền. Về thẩm quyền lãnh thổ, viện này có quyền tố tụng trên 23 tỉnh, thành phía Nam (từ Ninh Thuận đổ vào, so với Viện Phúc thẩm III thì có thêm tỉnh Đắk Nông nữa).

Về nhân sự, viện sẽ có 210 biên chế (biên chế Viện Phúc thẩm III cũ là 43). Nguồn biên chế này không được tuyển mới mà tăng cường, điều động chuyển đến. Việc tăng cường biên chế trên nhằm đảm bảo cho khối lượng công việc “khủng” theo thẩm quyền mà viện giải quyết. Tuy nhiên, số biên chế quy định trên cũng vài năm mới lấp đầy nhưng viện phải vận hành ngay nên áp lực công việc, con người cũng như chất lượng giải quyết và cơ sở vật chất vẫn là bài toán khó...

Chia sẻ thêm, Viện phó Võ Văn Thêm cho biết số biên chế dự tính trên được tính trên lượng công việc một cách khoa học cùng vị trí làm việc. Tuy nhiên, đó chỉ là tính toán ban đầu, đến khi vận hành thì có thể phát sinh chưa lường hết được. Bởi án phúc thẩm trước nay Viện Phúc thẩm III luôn chiếm tỉ lệ cao hơn so với các viện cùng cấp...

Về cơ cấu tổ chức, viện sẽ có ủy ban kiểm sát, văn phòng và các viện nghiệp vụ hoặc tương đương. Theo dự tính, viện sẽ có các viện nghiệp vụ chia theo loại án như án kinh tế, chức vụ và tham nhũng; án ma túy, trật tự xã hội; án dân sự, hôn nhân và gia đình; án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và các việc khác... Trong các viện chuyên trách sẽ có các phòng chức năng chuyên sâu như phúc thẩm, giám đốc thẩm, tổng hợp...

Trụ sở viện vẫn sẽ tiếp tục đóng tại 33 Hàn Thuyên, quận 1, sắp tới tiếp quản thêm trụ sở ở 199 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình.

Được biết ngoài lượng án phải tham gia giải quyết phúc thẩm lớn (án hằng năm của Viện Phúc thẩm III cũ là trên 2.000), khi đi vào vận hành, VKSND cấp cao tại TP.HCM còn phải gánh thêm án và đơn giám đốc thẩm, tái thẩm nữa (chỉ riêng về dân sự đã có khoảng 4.000 hồ sơ).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm