'Tín dụng đen không xấu, hợp thức hóa để người vay bớt khổ'

Tại diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018, chuyên đề Thị trường vốn – Tài chính đang diễn ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong phát biểu khai mạc đã đề cập đến “tín dụng đen”.

Theo Phó Thủ tướng, đối với thị trường vốn cho các doanh nghiệp, cần phải thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, nhất là đấu tranh chống gian lận, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen và các giải pháp hành chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng phát triển.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần ngăn chặn tín dụng đen... Ảnh: CHÂN LUẬN

Phó Thủ tướng vừa kết thúc phát biểu khai mạc, phiên thảo luận “Tái cấu trúc thị trường Vốn - Tài chính Việt Nam” được bắt đầu. TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam điều phối thảo luận.

Về chủ đề tín dụng đen, ông Thành đặt vấn đề: việc phát triển thị trường vốn hiện nay mới giải quyết được nguồn vốn cho doanh nghiệp lớn và có quy mô trung bình. Tuy nhiên, những DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn và buộc phải sử dụng đến nguồn "tín dụng đen". 

Ông Nguyễn Kim Hùng - Giám đốc Công ty CP Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt khẳng định, các DNNVV chưa có cấu trúc vốn và gặp nhiều khó khăn khi vốn thực chỉ chiếm 20-30%, còn lại là liên kết tài chính giữa gia đình, bạn bè, anh chị em. “Khi ngân hàng không cho vay, trái phiếu Chính phủ không thể tiếp cận, họ buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức hay gọi là "tín dụng đen”, ông Hùng nói.

"Có những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí có tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh là vốn từ tín dụng đen", ông Hùng khẳng định.

Ông Nguyễn Kim Hùng cho hay có DNNVV có tới 60% vốn đến từ nguồn tín dụng đen

Ông Hùng mong muốn Chính phủ tạo ra khung pháp lý để giúp DNNVV tiếp cận nguồn vốn này một cách hợp lệ bởi chi phí sử dụng vốn lên đến trên 10% nhưng chưa được hoạch định vào chi phí hợp lệ.

Còn ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia lý giải những nguyên nhân khiến tín dụng đen nở rộ. Theo ông Tuấn, nhu cầu vay tín dụng của người dân là có thật và rất lớn, đó là nguyên nhân tồn tại của tín dụng đen. “Vay theo hình thức này khá nhanh gọn, không vướng điều kiện chặt chẽ như của ngân hàng”, ông Tuấn nói.

Ông Hà Huy Tuấn cho rằng vay tín dụng đen rất dễ dàng, không khó như ngân hàng, Nhà nước cần có cách hợp thức hóa tín dụng đen

Mặt khác, cũng từ tín dụng đen, DN, người dân có thể vay để trả nợ ngân hàng. Sự phát triển của công nghệ cũng khiến cho việc tiếp cận giữa người cho vay và người có nhu cầu vay trở nên thuận tiện. Và cuối cùng, cho vay tín dụng đen thì lãi suất cao hơn gửi ngân hàng.

Một cách cởi mở, ông Tuấn nhận định tín dụng đen không phải xấu và cần phải có giải pháp cho vấn đề này. Vẫn theo ông Tuấn, tín dụng đen đã tồn tại rất lâu do cung cầu và hoạt động như ngân hàng. Vì vậy, ông Tuấn cũng đề nghị cần phải hợp thức hóa được “tín dụng đen”.

Bên cạnh đó, phía ngân hàng cũng phải đơn giản hóa thủ tục vay, thanh toán và nói rõ cho xã hội rằng: các ngân hàng thực ra cũng rất muốn cho vay. Cuối cùng, ông Tuấn đề nghị nhà nước cần nhìn nhận đúng về những sản phẩm, phương thức kinh doanh mới theo hướng kiểm soát và khuyến khích chứ không nên gò bó.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sau khi nghe các ý kiến về tín dụng đen thì tỏ ra rất quan tâm và mong muốn biết được kinh nghiệm quốc tế xử lý vấn đề “tín dụng đen” như thế nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm