NASA thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử “chạm tới mặt trời“

Sáng 12-8, Cơ quan Hàng không Mũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng thành công tàu thăm dò Mặt Trời Parker sau khi phải trì hoãn nhiệm vụ lịch sử này vì sự cố kỹ thuật, Daily Mail đưa tin.

Theo dự tính trước đó thì tàu thăm dò Mặt Trời Parker của NASA sẽ được phóng lên vũ trụ vào sáng sớm thứ Bảy, ngày 11-8 để thực hiện nhiệm vụ lịch sử “chạm tới mặt trời”. Đây là con tàu có khả năng di chuyển với tốc độ kỷ lục 692.000 km/giờ. Theo NASA, với tốc độ này nó có thể đi từ TP New York (Mỹ) đến Tokyo (Nhật) trong chưa đầy một phút.

Tuy nhiên, khi bộ đếm ngược chỉ còn lại 1 phút 55 giây, trục trặc kỹ thuật liên quan đến áp suất khí Heli đã khiến quá trình phóng tên lửa Delta IV chứa tàu vũ trụ Mặt Trời Parker phải tạm hoãn.

Tàu thăm dò Mặt Trời Parker trị giá 1,5 tỉ USD đặt trong tên lửa Delta IV sẽ hoàn thành tổng cộng 24 vòng chuyển động quanh mặt trời trong quãng thời gian bảy năm. Ảnh: EPA

Vào lúc 3 giờ 31 sáng Chủ Nhật, ngày 12-8 (theo giờ địa phương), tên lửa Delta IV mang theo tàu vũ trụ Mặt Trời Parker đã được phóng thành công từ bãi phóng ở mũi Canaveral thuộc bang Florida (Mỹ). Con tàu trị giá 1,5 tỉ USD này sẽ hoàn thành tổng cộng 24 vòng chuyển động quanh mặt trời trong quãng thời gian bảy năm.

Con tàu được đặt theo tên của TS Eugene Parker, người đầu tiên tiên đoán về sự tồn tại của gió mặt trời vào năm 1958. Không như những tàu thăm dò khác, tàu thăm dò Mặt Trời Parker không chỉ chuyển động theo quỹ đạo của hành tinh nó thăm dò mà còn tịnh tiến lại gần mặt trời với sự trợ giúp từ lực hấp dẫn của sao kim ở gần đó.

Để có thể chịu được mức nhiệt lên tới 1.400 độ C khi tiến lại gần bề mặt của mặt trời, các kỹ sư đã phủ một lớp chắn nhiệt tiên tiến, làm bằng hỗn hợp cacbon dày 11,4 cm bảo vệ các thiết bị bên trong con tàu. Chính vì thế, nhiệt độ bên trong tàu vũ trụ chỉ vào khoảng 29 độ C, tương đương với một ngày mùa hè nóng nực mà thôi.

 Con tàu Mặt Trời Parker được phóng lên thành công vào rạng sáng Chủ nhật ngày 12-8 từ bãi phóng ở mũi Canaveral thuộc bang Florida (Mỹ). Ảnh: NASA

Con tàu sẽ bay xuyên qua các cạnh mỏng của vành nhật hoa - bầu khí quyển bao quanh bề mặt mặt trời. Vành nhật hoa có thể được quan sát khi diễn ra nhật thực toàn phần.

Mặt trời được xem là ngôi sao quan trọng nhất trong vũ trụ của chúng ta. Vì thế nhiệm vụ lần này của NASA được xem là một nhiệm vụ lịch sử trọng đại. Thông qua đó, các nhà khoa học hi vọng có thể giải mã được những bí ẩn của mặt trời - ngôi sao lùn 4,5 tỉ năm tuổi rằng tại sao vành nhật hoa lại có nhiệt độ cao hơn hàng trăm lần so với bề mặt mặt trời? Tại sao bầu khí quyển của mặt trời lại không ngừng giãn nở?

Theo CNET, tàu thăm dò Mặt Trời Parker của NASA sẽ chạm mặt trời vào tháng 11 tới đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm