'Ăn cơm của nước mặc áo của dân sao có người bảo kê tội phạm?'

Sáng 9-5, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cùng các đại biểu Quốc hội: Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án TAND TP, đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 9, TP.HCM.

Cử tri Nguyễn Thị Dung. Ảnh: TÁ LÂM

Liên quan đến sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, cử tri Nguyễn Thị Dung, phường Tăng Nhơn Phú A, cho rằng bà Thanh đã có những sai phạm nghiêm trọng, thế mà vẫn còn nhân danh trưởng đoàn ĐBQH đi tiếp xúc cử tri thì không thể chấp nhận được.

"Tất nhiên nếu chiếu theo luật bà có quyền làm như vậy. Nhưng nếu là một người có lòng tự trọng thì không nên làm như vậy. Cử tri ngồi bên dưới cũng cảm thấy bức xúc" - bà Dung nói.

Từ đó cử tri Dung cho rằng cần có một khóa học về văn hóa từ chức cho cán bộ lãnh đạo.

Trước đó, trong hai ngày 2 và 3-5, bà Phan Thị Mỹ Thanh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành và TP Biên Hòa.
Tại đây, cử tri đã đặt câu hỏi trực tiếp cho bà như sai phạm của bà Mỹ Thanh như vậy còn đủ tư cách làm trưởng Đoàn ĐBQH Đồng Nai nữa hay không, nếu đủ thì đủ như thế nào, còn không đủ tư cách thì bao giờ nghỉ?
Bà Mỹ Thanh đã trả lời: "Tôi tâm niệm từ trước đến nay là khi làm nhiệm vụ với vai trò lãnh đạo thì không tránh khỏi có sai. Nhưng cái quan trọng là khi sai bản thân mình phải có nhận thức việc mình làm sai như thế nào để rồi mình có sự cầu thị, trách nhiệm để sửa chữa... Trong suy nghĩ tình cảm của cá nhân tôi đối với cử tri khi cầm lá phiếu bỏ cho tôi thì cho dù còn một ngày làm ĐBQH tôi cũng thể hiện hết trách nhiệm của mình...”.

Hình ảnh bà Mỹ Thanh tiếp xúc cử tri tại Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Cán bộ vi phạm nên cách chức hoặc buộc thôi việc

Đề cập đến công tác cán bộ, cử tri Nguyễn Thị Dung, phường Tăng Nhơn Phú A cho rằng dư luận gần đây rất bức xúc về tình trạng chạy chức chạy quyền, bổ nhiệm người nhà... thậm chí bức xúc trước tình trạng cán bộ có sai phạm khuyết điểm bị bắt.
Theo bà Dung, những câu hỏi của Tổng bí thư tại Hội nghị Trung ương 7 rất nhức nhối: Vì sao có nhiều nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp? Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai?.
Cử tri này cũng nêu lại những câu nói của nhà báo Nhị Lê, Phó TBT tạp chí Cộng Sản đăng trên báo Tuổi Trẻ, khi cho rằng trong Đảng không chỉ là tự kỷ luật mà phải là kỷ luật thép, quốc pháp phải là tối thượng. Yếu tố quan trọng nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng chính là minh bạch hóa đi liền với dân chủ hóa, đặt trong bối cảnh mới của cách mạng thông tin. “Tôi nghĩ chỉ có công khai, minh bạch hóa mới chống được chạy chức chạy quyền” - bà Dung nói và cho rằng hiện nay những cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý ở mức quá nhẹ, vẫn chỉ là khiển trách và cảnh cáo. Vì vậy bà đề nghị nên cách chức hoặc buộc thôi việc.
Đối với việc kê khai tài sản cán bộ, theo cử tri Dung, lâu nay việc công khai tài sản của cán bộ chỉ mang tính chất nội bộ, không tạo hiệu quả thực chất, chưa phản ánh đúng thực tế tình trạng quan chức có số tài sản “khủng” phổ biến hiện nay. Vì vậy, bà Dung đề nghị cần thực hiện việc công khai tài sản của các cán bộ tại địa bàn cư trú, thậm chí công khai trên mạng để người dân giám sát. “Có ý kiến cho rằng việc công khai như thế là vi phạm quyền riêng tư của cán bộ. Tuy nhiên, nếu đã là cán bộ thì phải chấp nhận việc công khai rộng rãi như các nước đã áp dụng” - bà Dung nói.
Cử tri Vũ Xuân Hoằng, phường Tăng Nhơn Phú B đặt câu hỏi, vì sao phát hiện chậm vụ nhiều tướng, tá sai phạm liên quan đến bảo kê đánh bạc qua mạng, là cán bộ "ăn cơm nhà nước, mặc áo nhân dân" mà lại thế, nhân dân thấy mất lòng tin vô cùng. Từ đó, ông Hoằng đề nghị giám sát xem còn ông nào bảo kê việc phạm tội như thế nữa không?
Về công tác cán bộ, ông Hoằng cũng đề nghị chống chạy chức chạy quyền. Phải chọn ra lãnh đạo đủ tâm, tầm, tài sáng suốt không vụ lợi.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói tại buổi tiếp xúc với cử tri quận 9. Ảnh: TÁ LÂM

Chia sẻ với cử tri, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá cử tri đặt vấn đề nhiều sai phạm của cán bộ bị kỷ luật, vấn đề chống tham nhũng phải đạt hiệu quả, hay những cơ quan đầu não của chúng ta, ngành công an, cán bộ cấp cao cũng vi phạm phải xử lý là những vấn đề đáng suy nghĩ.

Phải công khai việc kê khai tài sản cán bộ tại đơn vị

Nói về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng, bà Tâm cho biết ban đầu dự kiến Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi sẽ cho ý kiến tại hai kỳ họp rồi thông qua nhưng nhiều đại biểu nhận định đây là luật quan trọng, khó, người dân đang rất quan tâm nên đề nghị nên theo trình tự 3 kỳ họp.

"Đó là sự thận trọng, cũng là nhận thức rõ tình hình tham nhũng và vấn đề hành lang pháp lý phải thực sự tốt và để đại biểu có điều kiện nghiên cứu sâu hơn và lắng nghe ý kiến nhân dân. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo phải lấy ý kiến người dân về vấn đề này" - bà Tâm nói và cho biết trong dự thảo luật mới nhất đã có chương mới về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ.

"Tài sản của cán bộ khi kê khai thì phải công khai tại cơ quan đơn vị" - bà Tâm nói.
Bà Tâm cho rằng Việt Nam có tham khảo thực tế quy định các nước về kê khai tài sản để vận dụng, nghĩa là vẫn phải đảm bảo công khai minh bạch, người dân biết được nhưng cũng phải đảm bảo quyền công dân, cán bộ nhưng cũng là công dân nên phải hài hòa như nào, luật phải tính như nào cho tốt.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.