Bình Thuận thông tin vụ xây công trình lãng phí

Theo đó, Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP) được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện tại Bình Thuận từ 2011-2016 với tổng kinh phí 55 tỉ đồng. Trong đó năm nhà đóng gói thanh long ở hai huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc được đầu tư với kinh phí 34 tỉ đồng.

Nhà đóng gói thanh long Hàm Mỹ 

Đối với nhà đóng gói thanh long Nà Bồi, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, Dự án QSEAP đã bàn giao cho Tổ hợp tác Gò Cà 3 vào ngày 15-3-2016 với diện tích nhà sơ chế hơn 760 m2. Sở dĩ phải đóng cửa là do khi nhận bàn giao, tình hình thị trường tiêu thụ thanh long không ổn định. Cạnh đó việc tìm đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn và năng lực tài chính của tổ hợp tác hạn chế.

Tháng 3-2017, Sở NN&PTNT và UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã kiểm tra thực tế nhà đóng gói, tổ chức nhiều cuộc họp bàn phương án sử dụng hiệu quả nhà đóng gói đúng với mục tiêu dự án. Đến nay tổ hợp tác đã huy động được vốn trong thành viên và liên kết với HTX Hòa Lệ về nguồn vốn; thị trường tiêu thụ và đã đưa vào hoạt động.

Nhà đóng gói Hàm Đức được bàn giao vào tháng 5-2016 đến tháng 3-2017, Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp với UBND huyện Hàm Thuận Bắc kiểm tra tìm phương án đưa vào hoạt động hiệu quả và hiện nay nhà đóng gói này và nhà đóng gói Hàm Hiệp đã hoạt động.

Đối với nhà đóng gói Hàm Minh, Hàm Thuận Nam được giao cho Tổ hợp tác Minh Thành vào tháng 7-2016, diện tích hơn 1.500 m2. Tuy nhiên, do năng lực tài chính và khả năng tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế; quy mô sản xuất của tổ hợp tác quá nhỏ; khả năng liên kết và thị trường tiêu thụ chưa có nên từ khi nhận bàn giao đến nay vẫn không thể hoạt động.

Qua xem xét nhiều phương án, Sở NN&PTNT đã đề xuất UBND tỉnh giao nhà đóng gói cho Liên hiệp HTX dịch vụ sản xuất thanh long Bình Thuận quản lý, sử dụng hai năm. Hiện Sở đang làm các thủ tục và dự kiến bàn giao cho đơn vị này vào tháng 4-2018.

Đối với nhà đóng gói Hàm Mỹ, được giao cho HTX Mỹ Hưng quản lý vào tháng 3-2016. Sau khi tiếp nhận, Hội đồng quản trị HTX có biến động lớn về nhân sự. Ngoài ra năng lực quản lý và tài chính của HTX còn hạn chế. Cạnh đó đường vận chuyển từ QL1 vào nhà đóng gói hẹp (2,5 m) nên xe container, xe tải không vào được. Do đó HTX không thể kêu gọi liên kết với các doanh nghiệp có năng lực và từ khi nhận công trình đến nay vẫn không hoạt động.

Đối với việc cho thuê sân bãi tổ chức tiệc cưới, Sở NN&PTNT đã làm việc với ông Huỳnh Trọng Phương, Chủ tịch UBND xã Hàm Mỹ, ông Phương cho biết HTX không sử dụng sân bãi của nhà đóng gói để cho thuê. Do Nhà văn hóa thôn liền kề với sân nhà đóng gói nên khi xã viên có nhu cầu tổ chức cưới hỏi, HTX đã sử dụng sân của nhà văn hóa và một phần sân của nhà đóng gói. Tuy nhiên Sở NN&PTNT đã không giải thích việc HTX Mỹ Hưng đã treo bảng cho thuê mặt bằng trước nhà đóng gói này.

Dự kiến nhà đóng gói này sẽ được bàn giao trong tháng 4-2018 cho UBND huyện Hàm Thuận Nam quản lý đồng thời cũng tìm kiếm HTX có năng lực đưa nhà đóng gói này vào hoạt động.

Bình Thuận thông tin vụ xây công trình lãng phí ảnh 2

Nhà đóng gói thanh long Hàm Minh đóng cửa kín mít không hoạt động từ khi bàn giao đến nay dù xây tiền tỉ từ vốn vay nước ngoài

Về giải pháp cho các nhà đóng gói hoạt động trong thời gian đến, theo Sở NN&PTNT, căn cứ chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bình Thuận, Sở đã tham mưu, đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho phép chủ trương bàn giao bốn nhà đóng gói cho UBND các huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc quản lý. Riêng nhà đóng gói Hàm Minh giao cho Liên hiệp HTX thanh long Bình Thuận sử dụng.

Tuy nhiên, không thấy đề cập đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nào khi thiết kế, lựa chọn vị trí xây những nhà đóng gói thanh long tiền tỉ nhưng không hoạt động được, vô cùng lãng phí. Đặc biệt là nhà đóng gói Hàm Mỹ do đường từ QL1 vào quá nhỏ hẹp lại qua cầu rất yếu nên việc dù giao cho UBND huyện Hàm Thuận Nam quản lý, sử dụng cũng khó có thể đưa nhà đóng gói này vào hoạt động đúng như mục tiêu của dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm