Đại biểu quan tâm hiệu quả chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh

Clip: Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng trả lời về hiệu quả chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh. Thực hiện: Quang Duy
Sáng 12-7, kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM khóa IX đã tiến hành chất vấn giám đốc Sở KH&CN TP Nguyễn Việt Dũng về các vấn đề liên quan đến phát triển KH&CN, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Việt Dũng trả lời đại biểu. Ảnh: HOÀNG GIANG

Không nên bác bỏ ngay nghiên cứu khoa học

Đặt câu hỏi với ông Dũng, đại biểu Đỗ Khắc Tuấn cho biết vừa qua TP.HCM đã ký hợp đồng thuê máy bơm của Công ty Công nghiệp Quang Trung để giải quyết vấn đề ngập nước cho đường Nguyễn Hữu Cảnh nhưng cũng không khắc phục được tình trạng ngập ở nơi đây.
“Tôi được biết nguyên nhân chống ngập không đạt có yếu tố của việc ứng dụng khoa học công nghệ chưa hiệu quả như miệng của ống bơm, áp lực nước của ống bơm và tình trạng ngẹt ở các ống thoát nước. Như vậy, trước khi đặt vấn đề ký hợp đồng với doanh nghiệp thì Sở KH&CN có tham mưu cho UBND TP xem các vấn đề mang tính chất về khoa học công nghệ để đạt được hiệu quả không” - ông Tuấn hỏi.
Chưa dừng lại ở đó, ông Tuấn hỏi thêm, thực tế sau khi ký hợp đồng đã chi bao nhiêu tiền để thuê máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh và sẽ còn phải chi bao nhiêu nữa? UBND TP đã có xử lý như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng cho biết Sở có tham mưu để đóng góp cho giải pháp chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Nhưng ông Dũng quả quyết "không nên đòi hỏi có kết quả ngay lập tức".

Theo ông Dũng, một nghiên cứu khoa học cho ra kết quả đòi hỏi thời gian rất dài. Trong chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh phải rà soát cho kỹ nguyên nhân vì sao chưa hiệu quả, còn ngay từ đầu dập tắt những sáng tạo thì dập tắt khoa học công nghệ.
Riêng đối với vấn đề kinh phí, ông Dũng cho biết không nắm được là bao nhiêu. Nhưng ông cho rằng doanh nghiệp này đã cam kết không hết ngập không lấy tiền. “Đây là mô hình tốt, giai đoạn đầu có gặp khó khăn thì chúng ta nên cùng nhau chia sẻ để vượt qua khó khăn chứ không nên bác bỏ ngay nghiên cứu của họ” - ông Dũng nói.

ĐB Lê Thị Ngọc Thanh. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ngoài câu hỏi kinh phí thuê máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, các đại biểu cũng quan tâm nhiều đến kinh phí cho nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo.

150 triệu cho vườn ươm nghiên cứu khoa học

Đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh cho rằng hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên có tác động rất lớn đến sự phát triển tư duy sáng tạo của sinh viên. Tuy nhiên, trong thời gian qua số lượng đề tài nghiên cứu khoa học cũng như tính ứng dụng, chất lượng của các đề tài nghiên cứu khoa học trong sinh viên còn khiêm tốn, hạn chế. “Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này và giải pháp trọng tâm trong thời gian sắp tới của sở là gì?” - bà Thanh hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng thông tin hằng năm Sở đều hỗ trợ sinh viên thông qua Trung tâm Sáng tạo trẻ của Thành đoàn để thực hiện vườm ươm nghiên cứu khoa học của Thành đoàn. Tuy nhiên, nguồn ngân sách dành cho sinh viên nghiên cứu còn ít.

“Vừa qua đã nâng mức lên 150 triệu đồng, tức khoảng 7.000 USD. Nếu so sánh với thế giới thì số tiền đó là khá tốt, giúp sinh viên hoạt động nghiên cứu” - ông Dũng nói và cho biết sắp tới hằng năm sẽ hỗ trợ kinh phí tổ chức các cuộc thi để lựa chọn ý tưởng tốt và đưa vào các vườn ươm để họ hoàn thiện các sản phẩm trước khi tiếp cận giai đoạn thứ hai là chương trình startup.
Tiếp tục chất vấn, đại biểu Cao Thanh Bình cho biết các chuyên gia hầu hết vườm ươm tạo khối nhà nước chưa phát triển tương xứng với đòi hỏi của cộng đồng khởi nghiệp. “Vậy xin Sở thông tin thực trạng hoạt động của vườn ươm tạo hiện nay như thế nào và có giải pháp gì cho thời gian tới? Sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà khoa học chưa hiệu quả, giải pháp nào khắc phục?” - ông Bình hỏi.
Trả lời ông Bình, Giám đốc Sở KH&CN TP Nguyễn Việt Dũng nhìn nhận đối với các cơ sở ươm tạo của Nhà nước hiện nay chưa phát huy hết vai trò của mình. Trong hai năm vừa qua khi thực hiện chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở đã kết nối được 24 cơ sở ươm tạo.
“Đây là nỗ lực để làm sao gắn kết sức mạnh, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng của các vườm ươm kể cả khu vực công lập và tư nhân” - ông Dũng nói. Ngoài ra, Sở sẽ tham mưu TP và kiến nghị Bộ KH&CN để có cơ chế cởi mở hơn trong cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp KH&CN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm