‘Hiệp sĩ’ Bình Dương kể chuyện bắt cướp

Hầu hết người dân đều biết số điện thoại của các anh để khi có chuyện trộm cắp, cướp giật là gọi ngay” - chị Nguyễn Thị Hạnh (ngụ phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) nói về các “hiệp sĩ” trên địa bàn mình sinh sống.

Hiệp sĩ Hải (Ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội bắt người phạm tội quả tang. Ảnh: VH

Tâm sự về cái “duyên” bắt tội phạm, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải (Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một) kể: Năm 1996 (lúc đó 25 tuổi), một chiều tối, trên đường thu tiền bán vật liệu xây dựng trở về thì nghe tiếng kêu “cướp, cướp” của một người dân. Nhác thấy hai tên cướp phóng xe trên đại lộ Bình Dương, anh liền quay đầu xe truy đuổi.

Rượt theo hàng chục km đến đoạn đường vắng, anh tung cú đá vào tên cầm lái làm chúng ngã lăn ra đường. “Hai tên cướp bị ngã nhưng không hề thương tích. Tôi lao vào quật ngã được một người thì người còn lại định tấn công giải vây, tôi liền tri hô thì người đi đường trợ giúp, bắt giữ họ giao công an” - anh kể.

Từ đó anh hay để ý, quan sát những người có biểu hiện nghi vấn trên đường và âm thầm đi theo. Khi họ cướp giật là anh lao vào bắt giữ bất chấp hiểm nguy. Cũng từ đây anh Hải được bạn bè cảm phục, tự động theo anh đi bắt tội phạm.

Năm 1997, “Đội dân quân tự vệ vây bắt cướp ban ngày” ra đời, nòng cốt là các thành viên Ban dân quân tự vệ của phường và những thanh niên lái xe ôm, buôn bán, sửa xe nhưng có tinh thần nghĩa hiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm (PCTP).

Theo anh Hải, kỷ niệm đáng nhớ nhất là năm 2005, anh nhầm một thanh niên với người tốt khi phụ anh bắt kẻ trộm xe, ai dè người này là đồng phạm của kẻ trộm nên anh bị đâm một nhát vào sau lưng. Vụ này anh phải nằm bệnh viện hơn chục ngày.

Anh Hải đang tìm hiểu thông tin kẻ trốn truy nã. Ảnh: Vũ Hội

“Gia đình, người thân ngăn không cho tôi tham gia bắt cướp nữa nhưng tôi không bỏ được. Ngoài lúc làm việc, quản lý công ty cho người anh, tôi lại chạy xe máy rảo trên đường bắt trộm cướp” - anh Hải chia sẻ.

Cuối tháng 2, ngồi trong một quán cà phê bình dân trên đường Phú Lợi (TP Thủ Dầu Một), “căn cứ” của các “hiệp sĩ”, vừa cầm ly cà phê thì điện thoại anh Hải đổ chuông. Lại một vụ trộm xe xảy ra trên địa bàn và nhóm “hiệp sĩ” lên xe thẳng đến hiện trường ghi nhận thông tin để truy bắt, hướng dẫn cho người dân trình báo công an.

“Mỗi khi nhận được thông tin, chúng tôi sẽ đến hiện trường nắm nội dung sự việc để phán đoán kẻ trộm có chuyên nghiệp hay không, các chi tiết về tài sản bị mất và nhanh chóng phân công anh em chia ra các con đường kẻ trộm có thể đi qua. Nếu không tìm được ngay, anh em sẽ tiếp tục truy tìm” - anh nói.

Theo anh Hải, các đối tượng mà nhóm bắt giữ hầu hết là phạm tội quả tang. Khi phát hiện đối tượng nghi vấn, nhóm sẽ ghi hình, đặc điểm nhận dạng, biển số xe cung cấp cho công an và các câu lạc bộ PCTP khác trên địa bàn…

Các thành viên của đội được công an, quân sự, ban tư pháp hướng dẫn, tập huấn về nghiệp vụ và pháp lý để biết giới hạn trong quá trình theo dõi, truy bắt tội phạm.

Trong năm 2015, nhóm “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải phá 94 vụ trộm cướp, bắt nóng 182 người phạm tội quả tang, thu hồi 58 xe máy, 34 điện thoại, sáu dây chuyền, nhiều laptop và khoảng 400 triệu đồng. CLB phường Phú Hòa được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh Bình Dương, Bộ Công an, Chính phủ… Đặc biệt, câu lạc bộ mà anh Hải là thành viên vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương Chiến công hạng Ba...

Bình Dương có 91 câu lạc bộ PCTP

Thượng tá Huỳnh Văn Sen, Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (PV28) Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Bình Dương hiện có 91 câu lạc bộ PCTP, trong đó có 80 đội xung kích 3.359 hội viên.

Các câu lạc bộ chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp xã, sự chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ của ngành công an, tư pháp, quân sự và giám sát của HĐND cấp xã. Những thành viên của câu lạc bộ là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tâm huyết trong việc bảo vệ an ninh trật tự. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ PCTP do chủ tịch UBND cấp huyện quyết định bổ nhiệm. Chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã làm chủ nhiệm, trưởng công an cấp xã làm phó chủ nhiệm thường trực.

Các “hiệp sĩ” được trang bị dùi cui, chỉ được bắt người có hành vi phạm tội quả tang và người có quyết định truy nã. Khi theo dõi, bắt giữ đối tượng thì các “hiệp sĩ” phải báo cáo ngay cho ban chủ nhiệm câu lạc bộ và giao ngay người bị bắt nơi gần nhất. Trong trường hợp đối tượng nghi vấn phạm tội hoặc truy đuổi người phạm tội quả tang mà ngoài phạm vi địa bàn hoạt động thì các “hiệp sĩ” phải báo ngay cho ban chủ nhiệm để báo cáo cơ quan công an có thẩm quyền tổ chức phối hợp.

Về kinh phí do tập thể của ban chủ nhiệm dự toán hằng năm cùng với kế hoạch hoạt động. Nguồn thu từ đóng góp của các hội viên, các khoản tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, khoản hỗ trợ quỹ quốc phòng an ninh.

Theo Thượng tá Sen, mô hình câu lạc bộ PCTP ở Bình Dương tạo ra thế trận chắc chắn trong công tác tấn công tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, có tác dụng tích cực đối với xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm