Sắp hết thời địa phương được cấp phát không vốn ODA

Cơ chế này hướng tới mục tiêu cơ cấu lại sử dụng nợ Chính phủ, hạn chế cấp phát, giúp địa phương chủ động chuyển hướng dần khi vốn ODA giảm dần để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và thương mại.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đưa ra tại hội thảo “Cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND cấp tỉnh” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 10-12  tại Hà Nội.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết hơn 92% nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ cho địa phương hiện thực hiện hình thức cấp phát và địa phương vẫn coi đây là khoản cho không. Điều này dẫn tới thực trạng một số tỉnh thiếu ý thức giám sát, đầu tư dàn trải, thiếu ưu tiên và hiệu quả chưa cao.

Chính vì lẽ đó, các địa phương cứ đăng ký vốn càng nhiều càng tốt. Trong đó có những dự án tại các địa phương phải mất tới 10-12 năm mới hoàn thành. Như vậy, hiệu quả đầu tư của các nguồn vốn vay là chưa cao trong khi cam kết trả nợ thì vẫn phải thực hiện đúng hạn.

Bên cạnh đó, theo ông Long, sự thiếu bình đẳng cũng là vấn đề bất cập khác khi cấp phát ODA cho các tỉnh như hiện tại. Qua thực tế có địa phương lại có dự án và được trợ cấp lớn trong khi địa phương nhỏ thì chỉ được cấp nguồn vốn nhỏ. Đặc biệt, một số địa phương như Vĩnh Long, Bạc Liêu hoàn toàn không có dự án được trợ cấp vốn ODA.

Vì vậy, ông Long cho biết sắp tới Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu trình, xây dựng cơ chế quản lý cho vay lại đối với chính quyền địa phương. Hướng quản lý vốn vay sẽ nâng cao trách nhiệm trả nợ cho địa phương. Các tỉnh sẽ chủ động tính toán hiệu quả đầu tư và buộc phải xây dựng năng lực quản lý nợ. Đặc biệt, hướng tới mục tiêu cơ cấu lại sử dụng nợ Chính phủ, hạn chế cấp phát, giúp địa phương chủ động chuyển hướng dần khi ODA giảm dần, để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và thương mại. 

“Nếu trung ương cấp phát vốn vay nước ngoài cho các địa phương theo hình thức phát không sẽ khiến các địa phương xài tiền thoải mái mà không nghĩ đến trách nhiệm sử dụng đồng vốn có mục đích. Việc siết chặt quản lý vốn vay nước ngoài ở các địa phương sẽ giúp đảm bảo công bằng ngân sách trung ương và địa phương với nhau” - ông Hùng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm