Tham nhũng trong khu vực công 'vẫn nghiêm trọng'

Ngày 22-2, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công. Theo đó, Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu. 

Theo Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), Cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam, việc tăng nhẹ điểm CPI trong hai năm liên tiếp (2016-2017) là tín hiệu tích cực đối với các nỗ lực phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong thời gian qua. Tuy nhiên, xét trên thang điểm từ 0 -100 của CPI (trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch), vấn đề tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng.

TT cho rằng, trong năm 2017, với những cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, công tác PCTN trong nước đã đạt được một số kết quả nổi bật, bao gồm việc xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về PCTN như tiến hành sửa đổi Luật PCTN hiện hành theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai Kế hoạch Hành động Quốc Gia về các Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030, nhằm đạt được những thay đổi mang tính hệ thống, bền vững và “giảm đáng kể mọi loại hình tham nhũng và hối lộ” đến năm 2030, Việt Nam cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, củng cố và xây dựng các thể chế hiệu quả, gắn với trách nhiệm giải trình và có sự tham gia của toàn xã hội.

TT đưa ra bốn khuyến nghị đối với nhà nước. Đáng chú ý là việc nâng cao tính hiệu quả trong công tác giám sát của Quốc hội và tính độc lập trong xét xử của các cơ quan Tư pháp; Đẩy mạnh nỗ lực PCTN trong các lĩnh vực người dân thường xuyên phải đối mặt với hối lộ và tham nhũng; Mở rộng không gian xã hội dân sự, thiết lập và củng cố cơ chế tham gia hiệu quả để người dân, báo chí và các tổ chức xã hội ngoài nhà nước tham gia vào quá trình ra quyết định và giám sát các hoạt động quản lý nhà nước; Hoàn thiện cơ sở pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân và cộng đồng vào công tác PCTN.

Đối với Doanh nghiệp, TT cho rằng Doanh nghiệp cần chủ động tham gia PCTN, xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính để doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao uy tín và tăng lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đồng thời tăng cường năng lực PCTN nội bộ (đặc biệt đối với các DNNN).

Đối với Báo chí, các tổ chức xã hội và người dân,  cần chủ động tham gia vào công tác PCTN thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình;

Thực hiện quyền tiếp cận thông tin và tham gia giám sát việc thực hiện Luật Tiếp cận thông tin 2016; Chủ động thực hành liêm chính, tố cáo các vụ việc tham nhũng, hối lộ ở các cấp độ khác nhau, trước hết bằng cách tự trang bị kiến thức và thông tin pháp luật, trong đó có pháp luật về PCTN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm