Thực phẩm bẩn: Pháp lý đã đủ, chỉ chờ trách nhiệm

Một lần nữa, vấn đề thực phẩm bẩn lại nóng tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát ngày 1-4 đã bị các đại biểu Quốc hội truy vấn gắt gao về vấn đề này. Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, nói: “Rủi ro trong ATTP là điều rất khó tránh khỏi ngay cả đối với những quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Ở Mỹ mỗi năm có khoảng 75 triệu ca tiêu chảy liên quan tới thực phẩm. Ở Nhật cũng có những vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến hàng ngàn người. Hàn Quốc cũng có những vụ ngộ độc liên quan đến kim chi làm bằng cải thảo… Dĩ nhiên chúng tôi không bao biện cho công tác đảm bảo ATTP đang rất kém ở Việt Nam hiện nay”.

Thanh tra ATTP chưa vươn tới từng phường, xã

. Phóng viên: Bà nghĩ gì về độ nóng bỏng của vấn đề thực phẩm bẩn trên nghị trường và trong dư luận xã hội hiện nay?

+ Bà Trần Việt Nga: Thực phẩm bẩn, không chỉ đại biểu Quốc hội trăn trở, bức xúc, mà người tiêu dùng cả nước cũng đang rất lo lắng. Quyền sử dụng thực phẩm an toàn là quyền chính đáng của người tiêu dùng.

Dù nông sản, thực phẩm của Việt Nam được xuất khẩu đi khoảng 120 nước và vùng lãnh thổ, nhiều món ăn, thực phẩm của Việt Nam được du khách khen ngợi nhưng mối lo về mất ATTP vẫn tồn tại. Chẳng hạn như tỉ lệ tồn dư chất bảo vệ thực vật, kháng sinh, kim loại nặng trên các nông sản của chúng ta còn chiếm tỉ lệ cao; tình hình nhập lậu thực phẩm qua biên giới rất phức tạp; nguy cơ ô nhiễm thực phẩm từ các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm vẫn hiện hữu; thực phẩm không đảm bảo chất lượng còn đang được lưu thông trên thị trường; ngộ độc thực phẩm, các nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm ở các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, thức ăn tại các khu vực du lịch, lễ hội, bến tàu, bến xe vẫn không đảm bảo… đang trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Thêm nữa, Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ thực phẩm bẩn của thế giới vẫn là nguy cơ thường trực.

. Vậy đâu là những nguyên nhân gây ra tình trạng thực phẩm bẩn, thưa bà?

+ Tập quán canh tác của hơn 10 triệu hộ nông dân vẫn chưa thay đổi. Hình ảnh người nông dân sau khi phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật mang bình phun súc rửa ở sông ngòi vẫn chưa mất đi. Người dân vẫn chưa bỏ được tập quán sử dụng thực phẩm không an toàn, ví dụ thói quen ăn tiết canh, gỏi cá… Điều kiện vệ sinh, kiến thức về sử dụng phụ gia của khoảng 500.000 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa được đảm bảo đầy đủ.

Hệ thống quản lý, thanh tra ATTP chưa vươn tới từng phường, xã, hệ thống đào tạo về quản lý ATTP chưa chính quy. Ngay cả chúng tôi vừa làm vừa phải tự học tập, rút kinh nghiệm.

Một trong những nguyên nhân thực phẩm bẩn còn đất tồn tại là do một bộ phận người dân còn rất khó khăn trong chi tiêu gia đình. Ảnh: HTD

Biết thịt ôi thiu nhưng vẫn phải ăn

. Có ý kiến rằng công tác thanh tra, kiểm tra ATTP chưa tới nơi tới chốn. Bà nghĩ sao về điều này?

+ Vẫn còn tình trạng cán bộ quản lý ATTP chưa làm hết trách nhiệm của mình. Thậm chí còn khó chịu khi dân gọi điện thoại tố cáo tình trạng thực phẩm bẩn. Những cán bộ đó phải loại ra khỏi ngành. Nhiều địa phương cấp giấy chứng nhận ATTP cho các cơ sở không đúng quy định, khi xảy ra hậu quả rồi mới phát hiện ra thiếu sót của mình. Trách nhiệm của địa phương như thế là không nghiêm túc, quyết liệt.

. Có những vụ việc cụ thể nào chứng minh điều bà vừa nói?

+ Vụ việc rửa rau muống, rau cần ngay ở cống thoát nước đã diễn ra từ lâu tại Hưng Yên; phơi mứt sát nhà vệ sinh ở Xuân Đỉnh, Hà Nội; sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi heo ở Đồng Nai… Báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng đều biết và phản ánh. Thế nhưng chính quyền địa phương lại không biết. Đó là điều vô lý.

. Nhưng có khi người dân buộc phải dùng thực phẩm bẩn mà không có lựa chọn nào khác, thưa bà?

+ Một bộ phận người dân đời sống còn rất khó khăn nên không đủ điều kiện để tiếp cận và sử dụng thực phẩm an toàn. Biết là thực phẩm hơi ôi thiu, không an toàn… nhưng họ không đủ tiền để mua những loại thực phẩm sạch. Đó cũng là một nguyên nhân để cho thực phẩm bẩn còn đất tồn tại.

Nhiều vùng sâu, vùng xa, nơi chúng tôi trực tiếp cùng nhà báo Trần Đăng Tuấn trong chương trình Cơm có thịt xuống khảo sát, người dân biết thịt ôi thiu rồi nhưng vẫn phải ăn.

. Chất cấm, thực phẩm lậu, bẩn vẫn tuồn vào Việt Nam. Chúng ta có biên phòng, hải quan, quản lý thị trường…, tại sao chất cấm, thực phẩm bẩn vẫn vào được?

+ Không loại trừ việc buông lỏng quản lý. Tôi đã từng trực tiếp đi kiểm tra việc nhập lậu thực phẩm bẩn, chất cấm ở vùng biên và thấy rằng công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại của chúng ta chưa chặt chẽ.

Cha chung không ai khóc

. Sự chồng chéo giữa bộ, ngành và cả địa phương cũng khiến đảm bảo ATTP khó thực hiện đồng bộ, khó quy trách nhiệm cụ thể, thưa bà?

+ Có lo ngại sự chồng chéo này dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”, “đánh trống bỏ dùi”. Tuy nhiên, nếu mỗi bộ, ngành thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, trách nhiệm của mình, đồng thời Chính phủ đáp ứng những yêu cầu tối thiểu cho các bộ, địa phương thực hiện nhiệm vụ thì công tác đảm bảo ATTP sẽ có những tiến bộ.

Thuận lợi rất lớn là hiện nay toàn dân đều quan tâm đến ATTP, hệ thống thông tin đại chúng đang vào cuộc đấu tranh quyết liệt.

. Có ý kiến cho rằng chế tài xử lý thực phẩm bẩn chưa đủ mạnh nên thực phẩm bẩn vẫn tràn lan, thưa bà?

+ Mức phạt hành vi vi phạm về ATTP đối với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng. Nếu mức phạt đó không tương xứng với hành vi vi phạm thì cho phép phạt gấp bảy lần tổng giá trị hàng hóa vi phạm. Nếu các cơ quan được giao trách nhiệm xử phạt thực hiện đầy đủ như thế thì mức phạt đủ sức răn đe.

Rút giấy phép, công khai thông tin những cơ sở, tổ chức vi phạm ATTP là hình thức phạt bổ sung. Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-7, cho phép xử lý hình sự hành vi sử dụng chất cấm mà chưa cần có hậu quả ngay.

Như thế, cơ sở pháp lý chúng ta đã có và đủ mạnh. Nếu chúng ta không thực hiện hết trách nhiệm là chúng ta có lỗi với nhân dân.

. Xin cám ơn bà.

Những con số ấn tượng

- Gần 78.000 cơ sở vi phạm ATTP năm 2015. Theo báo cáo công tác ATTP năm 2015 của phó trưởng ban chỉ đạo liên ngành trung ương về ATVSTP do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký, trong 10 tháng đầu năm 2015, cả nước phát hiện 77.946 cơ sở vi phạm, mới chỉ có 12.980 cơ sở bị xử lý, phạt tiền 6.635 cơ sở với số tiền hơn 24,1 tỉ đồng.

- Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý trên 5.000 vụ vi phạm về ATTP, phạt hành chính trên 17 tỉ đồng; lực lượng công an các cấp (trong đó nòng cốt là lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường) đã phát hiện 3.365 vụ vi phạm pháp luật về ATTP, phối hợp với lực lượng chức năng xử phạt 2.400 vụ, số tiền 16,86 tỉ đồng.

- Tính đến 15-12-2015, cả nước có 171 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.965 người mắc và 23 trường hợp tử vong. Nguyên nhân gây tử vong do ngộ độc thực phẩm chủ yếu là do độc tố tự nhiên như cá nóc, ốc biển, so biển, cóc, nấm độc…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy