Nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân: Tạo dựng thế giới riêng

Nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân: Tạo dựng thế giới riêng ảnh 1
Ông luôn tự nhận mình là nhà văn của làng quê, của những người nghèo khổ

Không nên đặt tại phủ

Sau khi nhà văn Kim Lân mất, ngôi nhà ở phố Hạ Hồi mà nhà văn đã sống những ngày cuối cùng của cuộc đời mình đã được gia đình ông xác định làm nhà tưởng niệm. Nhưng rồi việc không thành, nhà không có người trông coi nên đành bán đi và chuyển toàn bộ kỷ vật của nhà văn Kim Lân lên Phủ Thành Chương (Sóc Sơn-Hà Nội) và gia đình cũng có ý định sẽ làm nhà tưởng niệm cho ông tại đây.

Tuy nhiên, khi suy xét lại, gia đình mới thấy việc làm đó là không thích hợp. Bởi trước khi mất, nhà văn có dặn dò với trưởng nữ họa sỹ Nguyễn Thị Hiền rằng “Thầy là nhà văn của làng quê, của những người nghèo, thầy muốn được về làng nằm cạnh mẹ con với một ngôi mộ đơn sơ gần gũi, không muốn lên phủ, phủ là số phận của Thành Chương, còn làng quê và những người nghèo là mối quan hoài của thầy”. Vì thế, chiều theo nguyện vọng của nhà văn, cả gia đình đã đưa mộ ông về Bắc Ninh, quê nhà văn, cũng là nơi vợ ông đang yên nghỉ.

Sinh thời, “Lão Hạc” đã làm việc và cống hiến đặc biệt: là một nhà văn nổi tiếng, viết hay nhưng không viết nhiều với một nhân cách quyết liệt, không thỏa hiệp trong văn chương, không viết để kiếm tiền, không quỵ lụy để cầu danh lợi. Ông lúc nào cũng nhận mình là nhà văn của những người nghèo khổ, làng quê. Và theo họa sỹ Nguyễn Thị Hiền, cả đời ông không lúc nào có nổi một khoản tiền và rồi khi có được vài chục triệu đồng cũng bị lấy mất nốt. Việc đặt nhà lưu niệm của ông ở phủ thì nhà văn sẽ bị mang tiếng là cả nhà lấy bố ra kinh doanh, bán vé vào cửa lấy tiền.

Vì thế, nhà văn cần được ở một nơi riêng biệt không thể chung lẫn với những đồ đạc bày biện khác ở một nơi du lịch. Nếu như điều kiện cho phép thì các con của nhà văn Kim Lân sẽ mua một mảnh đất ở quê (Bắc Ninh) để làm nhà lưu niệm cho bố nhưng trước mắt chưa thể làm ngay được nên nhà lưu niệm sẽ được đặt tại nhà của họa sỹ Nguyễn Thị Hiền, số 35, ngõ 424 Trần Khát Chân.

Nhà văn không chỉ của riêng gia đình

Thấu hiểu điều này, các con nhà văn Kim Lân đã bắt tay vào việc thiết kế và xây dựng ngôi nhà ở phố Trần Khát Chân trở thành nơi đến của những người yêu mến văn chương. Gia đình muốn tạo dựng lại một thế giới mà nhà văn đã từng sống. Ông rất giản dị, đồ đạc thô mộc chẳng có gì, thanh bạch đạm bạc. Những đồ vật như vài chậu cây, bể nuôi cá, lồng chim cu gáy đã trở thành kỷ vật lúc nào cũng gần ông.

Tâm sự với phóng viên, họa sỹ Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Làm nhà lưu niệm cho bố để bảo tồn những gì bố đã để lại, đã cống hiến cho gia đình, các con cháu, dòng tộc và cho xã hội. Vì bố đã không còn là của riêng gia đình chị-bố còn là người của xã hội nữa. Vì thế, chị và các con của chị phải có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, lối sống, quan điểm, nhân cách con người thực của bố không để bất kỳ điều gì làm sai lệch hình ảnh của bố”.

Khi nhà lưu niệm được mở cửa vào đầu tháng 4, nhân cách, lối sống và sự nghiệp văn chương của nhà văn Kim lân sẽ được vun đắp và tô đậm thêm khi những hình ảnh hay những câu chuyện liên quan đến cố nhà văn sẽ được gia đình sao chép, mua lại hay viết lại. Để từ đó, bộ sưu tập nhà lưu niệm Nhà văn Kim Lân được đầy đủ và ngày càng hoàn thiện hơn.

Theo Phạm Thu Hương (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm