Bác sĩ tương lai được đào tạo theo mô hình 6+3

Theo đó, đào tạo bác sĩ y khoa của trường ĐH Y trong tương lai được điều chỉnh theo mô hình 6+3 (hoặc 4).

Cụ thể, chương trình đào tạo cử nhân sáu năm, sau đó học luôn ba hoặc bốn năm chuyên sâu. Hiện nay sinh viên ĐH Y học sáu năm, tốt nghiệp ra trường đi làm một thời gian rồi quay trở lại trường học tiếp chuyên khoa 1. Để hành nghề bác sĩ, từ năm học thứ bảy, người học đủ điều kiện sẽ tham gia kỳ thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế tổ chức, dự kiến từ năm 2020.

Theo GS-TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, năm học 2017-2019 trường sẽ chuẩn bị cho những năm đầu tiên của chương trình học sáu năm, đến năm học 2019-2020 bắt đầu áp dụng chương trình mới cho khóa Y1.

“Chương trình đào tạo sáu năm của trường ĐH Y chỉ là cơ bản, ba năm chuyên sâu mới là quan trọng. Sau đó nếu đủ điều kiện thì các sinh viên mới được tham gia thi tiếp để cấp chứng chỉ hành nghề. Kỳ thi này sẽ dựa trên năng lực của mỗi người, nếu sinh viên có học giỏi đến đâu mà không qua được kỳ thi này thì cũng không được cấp chứng chỉ hành nghề” - GS Tú cho biết.

Cũng theo GS Tú, trường ĐH Y đã có nhiều đổi mới nhưng đổi mới căn bản chương trình đào tạo thì chưa có. Hiện chương trình đào tạo chuẩn đầu ra của trường không còn phù hợp. Bởi vì “Học 6-7 năm trời ra chỉ phù hợp làm bác sĩ đa khoa tuyến huyện, đi đỡ đẻ… thì quá lãng phí. Sinh viên trong trường học thụ động, quá nặng về lý thuyết. Còn giảng viên lại chạy cho hết chương trình, thiếu giám sát về hiệu quả nên kết quả dạy và học chưa cao” - GS Tú phân tích.

Có đến 99% giảng viên các trường ĐH Y nhận thấy cần thiết phải đổi mới chương trình đào tạo. Do vậy, hội nghị lần này được tổ chức để quyết định và chuẩn bị thật chu đáo để thực hiện việc đổi mới cho phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm