Giải đáp thắc mắc của cử tri về dự án mở rộng quốc lộ (QL) 1 qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Thể cho biết Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ và Bộ KH&ĐT bố trí 1.200 tỉ đồng thực hiện dự án mở rộng QL1 từ huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đến thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) với bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Hiện đã bố trí 550 tỉ đồng thực hiện mở rộng đoạn đường nói trên.
Riêng cầu Đại Ngãi, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh đây là công trình đặc biệt quan trọng không chỉ cho Sóc Trăng mà cả khu vực ĐBSCL. Khi cầu Đại Ngãi hoàn thành, các tỉnh lân cận Sóc Trăng đi TP.HCM có thể sẽ đi qua cầu Đại Ngãi qua QL60 đến TP Mỹ Tho (Tiền Giang) và thẳng đến TP.HCM. Điều đó giúp giảm tải cho QL1 hiện nay, phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh vùng ĐBSCL.
“Chính phủ đã ủng hộ chủ trương xây dựng cầu Đại Ngãi bằng nguồn vốn ODA. Phía Nhật Bản đã bỏ ra 3 triệu USD (hơn 60 tỉ đồng) tiếp tục nghiên cứu dự án cầu Đại Ngãi. Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự án cầu Đại Ngãi với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng. Chính phủ đã đồng ý và giao cho Bộ KH&ĐT làm đầu mối tham mưu cho Chính phủ xúc tiến hiệp định với Nhật Bản để xây dựng bằng vốn vay của Nhật Bản” - Bộ trưởng Thể thông tin thêm.
Ngoài ra, Bộ trưởng Thể cho biết hiện đã bố trí 800 tỉ đồng nâng cấp tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, từ thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đến TP Cà Mau (Cà Mau). Trong năm nay sẽ khởi công (thảm bê tông nhựa nóng dày, sửa chữa các đường vào cầu đảm bảo kỹ thuật) và sẽ hoàn thành trong năm 2020.
Một dự án khác có liên quan đến tỉnh Sóc Trăng, Bộ GTVT đang trình Chính phủ vận động nguồn vốn bên ngoài để xây dựng là cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng). Cảng có thể đón tàu 100.000 tấn vào (lớn gấp 10 lần cảng Cái Cui). Khi cảng Trần Đề hoàn thành, toàn bộ hàng hóa của ĐBSCL sẽ qua cảng này. Đồng thời thông qua cảng Trần Đề, khu vực ven bờ biển của Sóc Trăng, Bạc Liêu… sẽ hình thành nên khu, cụm công nghiệp gắn liền với cảng biển lớn, sân bay Cần Thơ.