2 dự án BOT thu tiền chung 1 trạm

“Đây là phương án bất đắc dĩ, chứ đúng ra là hầm nào thu hầm nấy. Về lâu dài thì Đèo Cả vẫn kiến nghị là hầm nào về hầm nấy. Nhưng làm sao đừng lãng phí xã hội, vì là tiền của người dân cả”. Trao đổi với PLO, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (gọi tắt là Đèo Cả), lý giải việc Trạm BOT Bắc Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) được sử dụng để thu phí hoàn vốn cho cả hai dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia (thuộc Công ty Cổ phần Phước Tượng - Phú Gia BOT) và hầm Hải Vân.

Thu phí 19 năm cho cả 2 dự án

Trước đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã ký Quyết định 460/QĐ-BGTVT phê duyệt điều chỉnh phương án tài chính, dự án đầu tư xây dựng công trình hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế). Phương án đưa ra là sử dụng Trạm BOT Bắc Hải Vân để hoàn vốn dự án Phước Tượng - Phú Gia và dự án xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả (hạng mục hầm Hải Vân).

Tại quyết định này, thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 19 năm. Nguyên tắc phân chia doanh thu là ưu tiên sử dụng doanh thu từ Trạm BOT Bắc Hải Vân để hoàn vốn cho dự án Phước Tượng - Phú Gia trong thời gian 19 năm. Phần doanh thu còn dư sử dụng để hoàn vốn dự án mở rộng hầm Hải Vân.

Việc này xuất phát từ phê duyệt trước đây của Bộ GTVT bổ sung hạng mục mở rộng hầm Hải Vân vào dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả. Trong đó, sử dụng trạm thu phí Nam Hải Vân để hoàn vốn từ sau khi hoàn thành giai đoạn 1 - nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1. Thời gian thu ngày 1-1-2017.

Theo phương án tài chính ban đầu được Bộ GTVT phê duyệt và ngân hàng tài trợ thẩm định khả thi thì hạng mục hầm Hải Vân sẽ sử dụng 100% doanh thu tại trạm Nam Hải Vân để hoàn vốn.

Hạng mục mở rộng hầm đường bộ Hải Vân. Ảnh: TẤN VIỆT

Tuy nhiên, trạm thu phí dự án hầm Phước Tượng - Phú Gia đặt tại cửa Bắc hầm Hải Vân nên không thể tổ chức thu phí tại trạm Nam Hải Vân do cự ly hai trạm quá gần nhau. Khi đó người dân sẽ phải trả phí hai lần khi đi qua hầm.

Cũng do không tổ chức thu phí được ở Nam Hải Vân, hạng mục hầm Hải Vân bị thiếu hụt rất lớn nguồn doanh thu, không đảm bảo nguồn thu để trả nợ theo hợp đồng tín dụng. Được biết mỗi năm Đèo Cả sử dụng vốn chủ sở hữu để đảm bảo công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1, khoảng 100 tỉ đồng/năm.

Trả lời chúng tôi, lãnh đạo Đèo Cả cũng nhận định trong tháng 4-2019 dự kiến tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan thông xe, một phần lưu lượng xe sẽ di chuyển qua tuyến này làm giảm lưu lượng qua hầm Hải Vân. Việc này gây ảnh hưởng lớn đến công tác hoàn vốn cho hạng mục hầm Hải Vân. Với thực trạng trên, Bộ GTVT mới ban hành Quyết định 460.

Chia sẻ nguồn thu thế nào?

Theo tiết lộ từ Đèo Cả, đơn vị đã thống nhất được với chủ đầu tư dự án hầm Phước Tượng - Phú Gia về phương án chia sẻ doanh thu.

Cụ thể, trong thời hạn 11 năm thu phí hoàn vốn cho dự án hầm Phước Tượng - Phú Gia, căn cứ được tính là phương án tài chính ban đầu, dự báo lưu lượng xe… cho cả thời gian hoàn vốn. Trong đó, Công ty Cổ phần Phước Tượng - Phú Gia BOT lấy toàn bộ doanh thu theo đúng dự báo. Phần chênh lệch tăng thực tế sẽ được phân bổ cho Đèo Cả. Sau 11 năm, toàn bộ doanh thu của trạm BOT này sẽ được phân bổ cho Đèo Cả.

Về việc phối hợp giám sát doanh thu, một cán bộ của Đèo Cả tiết lộ rằng khi trưởng Trạm BOT Bắc Hải Vân là người của Công ty Cổ phần Phước Tượng - Phú Gia BOT, thì phó trạm sẽ là người của Đèo Cả. Ngoài ra, hai ngân hàng tài trợ vốn của hai công ty này cũng phối hợp giám sát chéo lẫn nhau.

Ngoài ra, để đảm bảo việc hoàn vốn hầm Hải Vân, Đèo Cả đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT cập nhật phương án tài chính tổng thể của dự án. Trong đó, Đèo Cả kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xem xét, bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án để bù lại phần thiếu hụt doanh thu do phải chia sẻ nguồn thu tại trạm Bắc Hải Vân và đảm bảo phương án tài chính dự án do các thay đổi từ phía cơ quan nhà nước.

Nói về những khúc mắc khi trạm BOT thu phí cho hầm Phước Tượng - Phú Gia lại đặt phía Bắc hầm Hải Vân, Đèo Cả cho hay hiện chủ đầu tư dự án Phước Tượng - Phú Gia đã miễn, giảm cho các phương tiện quanh khu vực trạm thu phí mà không đi qua hai hầm này. Đồng thời nhận được sự đồng thuận của các chủ phương tiện cũng như người dân địa phương.

Dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia có tổng vốn đầu tư 1.743 tỉ đồng, đưa vào sử dụng ngày 7-12-2015, chính thức thu phí ngày 12-8-2016. Năm 2018, Thanh tra Chính phủ kết luận ngoài việc trạm thu phí BOT cho dự án này đặt “nhầm chỗ”, dự án còn phải điều chỉnh giảm thời gian thu phí từ 19 năm hai tháng 17 ngày xuống còn tám năm sáu ngày (giảm 11 năm hai tháng 11 ngày).

Riêng hạng mục mở rộng hầm Hải Vân do Đèo Cả làm chủ đầu tư được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai thực hiện tháng 4-2016 gồm: Thi công cải tạo, sửa chữa đoạn tuyến quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân và công trình hầm Hải Vân hiện hữu (hầm Hải Vân 1), đến nay đã hoàn thành nghiệm thu và đưa vào sử dụng tháng 8-2017. Giai đoạn 2 thực hiện tháng 12-2016 gồm: Thi công hầm đường bộ Hải Vân 2 và hệ thống cầu, đường dẫn mới để mở rộng quy mô tuyến đường và hầm từ hai làn xe lên bốn làn xe. Tổng mức đầu tư của dự án là 7.295 tỉ đồng. Thời gian hoàn thành dự kiến tháng 12-2020. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm