6 định hướng trọng tâm để phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng

(PLO)- Vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 7-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, chủ trì hội nghị lần thứ hai với chủ đề về quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội nghị này đi vào thảo luận những nội dung cụ thể, thực chất để phát triển vùng, sau hội nghị lần thứ nhất hôm 20-7, chính thức công bố thành lập Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng theo Quyết định số 826/QĐ-TTg.

Đồng bằng sông Hồng.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Bộ KH&ĐT

Trình bày tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, triển khai Luật Quy hoạch, đến nay đã có 108/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia hoàn thành việc lập, trình thẩm định, phê duyệt. Trong số này 19 quy hoạch cấp quốc gia, 1 quy hoạch vùng và 32 quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong tương quan ấy, quy hoạch vùng thảo luận ở hội nghị có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng. Bản quy hoạch phải giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tái tổ chức không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững.

Ngoài ra, quy hoạch vùng còn là căn cứ quan trọng để đề xuất kế hoạch đầu từ công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng.

Đồng bằng sông Hồng
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chỉ ra 6 định hướng trọng tâm phát triển, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Bộ KH&ĐT

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Dũng chỉ ra 6 định hướng trọng tâm quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng.

Một là, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại, hướng tới phát triển vùng thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển.

Hai là, tổ chức không gian phát triển vùng hợp lý gồm: 3 hành lang quốc gia, kết nối quốc tế; 2 hành lang bổ trợ kết nối liên vùng; 1 hành lang ven biển; 2 vùng động lực phát triển; 2 tiểu vùng kinh tế - xã hội.

Ba là, phát triển có trọng tâm, trọng điểm mạng lưới các khu vực kinh tế động lực, trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, trong đó Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh là tam giác tăng trưởng.

Bốn là, tập trung hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối hiệu quả các trung trung tâm kinh tế nội vùng, trong nước, quốc tế. Ngoài ra, phát triển mạng lưới hạ tầng y tế, giáo dục, văn hoá đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Năm là, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; tập trung giải quyết căn bản các vấn đề môi trường có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh nhất là ô nhiễm môi trường, ngập úng, rác thải, khí thải...

Sáu là, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch, nhất là danh mục dự án liên kết vùng dự kiến ưu tiên đầu tư và các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng.

Về danh mục dự án, cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho các các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối vùng như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng đô thị… Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đa dạng hoá các nguồn lực và hình thức đầu tư, trong đó chú trọng hình thức đối tác công – tư.

Để xây dựng quy hoạch vùng này, hội nghị đã cho ý kiến về xác định các vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết, các khâu đột phá phát triển, cơ cấu lại mô hình tăng trưởng của vùng. Định hướng tổ chức không gian phát triển của vùng. Định hướng, giải pháp về phát triển ngành, lĩnh vực, trọng tâm là kết cấu hạ tầng liên kết vùng. Định hướng, giải pháp về phát triển văn hóa – xã hội. Cuối cùng là giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm