Bảo tồn 2 nhịp cầu đường sắt Bình Lợi

Cụ thể, theo Sở GTVT, các đơn vị liên quan như Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng thành phố, Ban Quản lý dự án 7, Phân Ban Quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt khu vực III, UBND quận Bình Thạnh, Thủ Đức và Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi thống nhất nội dung bảo tồn toàn bộ câu đường săt Bình Lợi là không khả thi và chỉ bảo tồn hai nhịp cầu (trong đó có một nhịp cầu quay và một tháp canh đầu cầu phía quận Thủ Đức).

Theo Sở GTVT, Bảo tàng thành phố không có điều kiện mặt bằng để lưu giữ nhịp, dầm cầu và các cấu kiện khác nên công trình sẽ được bảo tồn tại vị trí đang hiện hữu.

Về nhu cầu quay phim, chụp hình trong quá trình tháo dỡ cầu Bình Lợi (các hạng mục không bảo tồn), Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi (Nhà đầu tư) sẽ hỗ trợ Bảo tàng thành phố thực hiện.

Nhịp cầu đường sắt Bình Lợi phía quận Thủ Đức với tháp canh (bên trái) sẽ được bảo tồn. Ảnh: Kiên Cường

Đồng thời, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ Bảo tàng thành phố trong việc thu thập thông tin, tài liệu về hồ sơ thiết kế cầu. Đối với các kết cấu cầu Bình Lợi đề nghị bảo tồn, hiện nay, cầu Bình Lợi là tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đang được Tổng Công ty đường sắt Việt Nam quản lý, do đó sở đề nghị đơn vị này tiếp tục có kế hoạch quản lý, bảo tồn.

Ngoài ra, Sở GTVT cũng cho biết sau khi hoàn thành tháo dỡ cầu đường sắt Bình Lợi, phạm vi khu vực cầu đường sắt Bình Lợi cũ (phía bờ quận Bình Thạnh), sở đề xuất giao cho Khu Quản lý đường thủy nội địa nghiên cứu xây dụng bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách và du lịch đường thủy.

Cầu Bình Lợi nằm trong khu ga Bình Triệu - Gò Vấp, trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, thuộc địa bàn TP.HCM, cầu được xây dựng từ những năm đầu 1900, có chiều dài 280,4 m bắc qua sông Sài Gòn. Năm 1902, cầu đưa vào khai thác gồm sáu nhịp dàn thép vòm mạ cong.

Qua nhiều thời gian, bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh, hiện vẫn còn tháp canh, trên vách tường hướng ra bờ sông còn rõ ô đắp chữ nổi "Binh Loi Octobre 1948". Năm 2006 đến nay hai nhịp giản đơn được thay thế bằng một nhịp dàn thép thẳng 62 m.

Dự án xây dựng mới cầu đường sắt Bình Lợi thay thế cho cầu đường sắt Bình Lợi cũ với khoang thông thuyền cầu mới đạt theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường thủy nội địa cấp III, đáp ứng cho các phương tiện thủy có tải trọng 2.400 DWT lưu thông qua cầu an toàn.

Theo dự án được duyệt, sau khi xây dựng xong cầu đường sắt Bình Lợi mới sẽ tháo dỡ cầu đường sẳt Bình Lợi cũ để đảm bảo luồng giao thông thủy trên sông Sài Gòn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm