“Chúng tôi đang chuẩn bị kéo dàn thép chính dài 101 m vào vị trí giữa cầu, đường dẫn vào hai đầu cầu cũng tương đối tạm ổn. Nhưng do việc thi công trụ tạm ở giữa sông Sài Gòn với dòng chảy xiết không đảm bảo an toàn và các nguyên nhân khác nên tiến độ như kế hoạch ngày 30-4 hoàn thành dự án là không đạt được” - ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT), đơn vị quản lý, điều hành dự án cầu đường sắt Bình Lợi, cho biết, ngày 22-4.
Công trường còn ngổn ngang
Ghi nhận thực tế tại công trường dự án, nhiều đống vật liệu xi măng, sắt thép… còn để ngổn ngang. Ở đường dẫn lên cầu phía quận Thủ Đức, công nhân đang gấp rút đổ đất cát để hoàn thiện phần nền đường dẫn. Còn phía đường dẫn quận Bình Thạnh, một phần đường vẫn trơ khung sắt, các công nhân đang hàn giữa trưa nắng gắt. “Anh có thể thấy phần khung sắt dưới này hàn cũng gần xong, chỉ chờ đổ đất. Chúng tôi đang cố gắng hết sức” - anh Dũng, một công nhân quê Nghệ An, vừa làm việc vừa cho biết.
Khu vực nhộn nhịp nhất của công trường là phần thi công giữa sông Sài Gòn, nơi đây tập trung nhiều công nhân và kỹ sư với hai sà lan kết hợp. Hiện một phần mái vòm của cầu mới đã được dựng lên. “Ngày 30-4 không xong đâu, anh ơi. Chắc phải 1-2 tháng nữa” - một công nhân vừa leo lên trụ cầu nói vọng xuống khi chúng tôi hỏi thăm.
Bên cạnh những yếu tố khách quan nêu trên thì một yếu tố khác khiến dự án chậm tiến độ là vướng mặt bằng. Cụ thể, phần tường chắn ở lối rẽ vào Công ty Cao su Bình Lợi để cho xe container ra vào hiện chưa được tháo dỡ. “Chúng tôi đang làm việc với cơ quan chức năng để nhanh chóng giải quyết việc này” - ông Khoát cho biết thêm.
Cần cẩu và sà lan được huy động để dựng mái vòm của cầu đường sắt Bình Lợi mới (ảnh lớn). Công nhân hàn khung sắt đường dẫn lên cầu phía quận Bình Thạnh (ảnh nhỏ). Ảnh: KIÊN CƯỜNG
Tháng 6 hoàn thành phần cầu chính
Đến nay, dự án xây cầu đã thi công xong 15 mố cầu, cơ bản hoàn thành việc sản xuất dầm thép bắc cầu, đang đẩy nhanh công tác thi công trụ tạm… Tiến độ dự án đạt khoảng 80%. “Các nhà thầu lẫn chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến trong tháng 6, chúng tôi sẽ hoàn thành phần cầu chính và bắt đầu lắp đường ray tàu lửa” - ông Khoát khẳng định.
1.302 tỉ đồng là tổng mức đầu tư của dự án cầu đường sắt Bình Lợi mới. Cầu dài 1,3 km với độ tĩnh không 7 m, cho phép tàu lửa chạy với vận tốc 100 km/giờ, đồng thời tạo thuận tiện cho giao thông thủy. Cầu đường sắt Bình Lợi mới nằm cách cầu cũ 12 m về phía hạ lưu. |
Cũng theo ông Khoát, sau khi hoàn thành phần cầu chính vào tháng 6, các gói thầu xây lắp khác như hệ thống đường ray, điện chiếu sáng, thông tin tín hiệu… sẽ hoàn thành một tháng sau đó. “Chúng tôi dự kiến thông luồng kỹ thuật xong trong tháng 12-2019 và hoàn thành các công việc, thủ tục liên quan khác trong quý I-2020” - ông Khoát nhấn mạnh.
Đây không phải là lần đầu tiên dự án này bị chậm tiến độ. Bắt đầu thi công vào năm 2015, cầu dự kiến xong tháng 6-2016 nhưng rồi dời đến tháng 11-2018. Sau đó là đến ngày 30-4, đến nay thì dự án tiếp tục hẹn đến tháng 6 mới xong phần cầu chính.
Cầu Bình Lợi cũ: Tháo hay giữ? Về việc tháo dỡ cầu đường sắt Bình Lợi cũ 117 tuổi, ông Khoát cho biết đơn vị đã có chỉ đạo nhà đầu tư chủ động xin ý kiến Bộ GTVT và UBND TP.HCM về việc bảo tồn hay tháo dỡ cầu cũ. “Trước đây, theo phương án cũ của Cục Đường thủy nội địa thì sẽ tháo dỡ cầu cũ do không đảm bảo tĩnh không thông thuyền (cầu cũ có tĩnh không 1,5 m). Nếu muốn giữ cầu cũ thì phải nâng tĩnh không thông thuyền lên thành 7 m. Chưa kể trụ cầu hiện hữu, dàn cầu hay khung sắt thép có đảm bảo không thì cần tính toán kỹ lưỡng” - ông Khoát phân tích. Theo Ban Quản lý dự án 7, hiện ngành giao thông TP.HCM đã gửi văn bản cho Sở VH&TT TP để xem cầu có nằm trong danh mục các công trình lịch sử được bảo tồn hay không để có phương án xử lý tiếp theo. |