Bắt đầu thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo

Kể từ hôm nay (1-3), 65 doanh nghiệp (DN) thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) bắt đầu thực hiện thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo hàng hóa của vụ đông xuân (tương đương 2 triệu tấn lúa). Theo tính toán, nếu giá lúa vụ đông xuân vẫn tăng và giữ ở mức trên 5.000 đồng/kg, với giá thành sản xuất ước tính 3.000-3.200 đồng/kg, nông dân sẽ lãi khoảng 40%.

Bảo đảm giá lúa không dưới 5.000 đồng/kg

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, cho biết từ ngày 1-3 đến ngày 15-4, các DN sẽ thực hiện thu mua lúa gạo tạm trữ theo giá thị trường, nếu giá có giảm cũng phải bảo đảm giá lúa không được dưới 5.000 đồng/kg. Các DN tham gia thu mua lúa gạo tạm trữ phải công bố địa điểm thu mua, giá cả đến nông dân và chính quyền các địa phương.

Cũng theo ông Huệ, kế hoạch và chỉ tiêu mua phân bổ cho từng DN đã được triển khai cụ thể, trong đó tập trung vào Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và Tổng Công ty Lương thực miền Nam, các DN thành viên còn lại có chỉ tiêu mua tùy theo năng lực. Được biết, đợt thu mua tạm trữ này VFA không đề nghị hỗ trợ lãi suất mà làm việc với các ngân hàng để được tích cực cấp vốn, đồng thời giải quyết lãi suất tương đối để tạo thuận lợi cho DN. “Ngày 1-3 chính thức triển khai mua nên vẫn chưa biết các DN sẽ gặp khó khăn gì, tuy nhiên VFA sẽ bám sát để kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong thời gian mua tạm trữ” - ông Huệ cho biết.

Bắt đầu thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo ảnh 1

Một điểm thu mua lúa gạo của nông dân tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: CTV

Không sợ thiếu vốn

Ngày 28-2, các DN tham gia chương trình cho biết đã triển khai kế hoạch cho các đơn vị thành viên, các điểm thu mua và hiện công tác chuẩn bị kho bãi, địa điểm thu mua, vận chuyển… đã hoàn tất. Nhiều DN cho biết họ không gặp khó khăn gì về vốn vì từ trước các ngân hàng đã có hạn mức tín dụng cấp cho từng DN. Khi tiến hành mua, họ sẽ được giải ngân nguồn vốn để đảm bảo thu mua đủ số lượng.

400.000 ha (số tròn) là diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch (tính đến ngày 25-2) ở các tỉnh phía Nam, chủ yếu là vùng ĐBSCL. Hiện ở Cần Thơ, giá lúa thơm ở mức 6.800-6.900 đồng/kg; tại Hậu Giang, giá lúa thơm ở Châu Thành A bán tại ruộng 6.900-7.000 đồng/kg.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (TP Cần Thơ), cho biết: “Hệ thống thu mua của công ty trước thời điểm 1-3 đã bắt đầu mua lúa của dân. Với chỉ tiêu 15.000 tấn được giao, công ty chúng tôi chẳng gặp khó khăn nào, vốn thì ngân hàng đã có sẵn hạn mức cho DN, vấn đề là tổ chức thu mua chặt chẽ, đảm bảo thuận lợi cho DN cũng như nông dân”. Còn theo ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mekong, ngoài diện tích thu mua theo hợp đồng bao tiêu với nông dân thì với chỉ tiêu 10.000 tấn mà VFA phân bổ, công ty không lo mua không đủ số lượng. Giá lúa công ty mua theo hợp đồng bao tiêu khi mua tại ruộng đã là 6.500 đồng/kg, nếu chở tới kho thì tăng thêm 200 đồng/kg. Ông cho biết công ty đã tổ chức việc thu mua chặt chẽ và sẽ mua theo giá thị trường.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng Giám đốc Gentraco, cho biết công ty đã hoàn tất công tác chuẩn bị mua tạm trữ gạo theo phân bổ của VFA, trong đó ngoài hệ thống kho với sức chứa 80.000 tấn thì công ty vừa hoàn tất một kho có sức chứa 20.000 tấn. Đợt này, theo phân bổ, công ty sẽ mua 15.000 tấn lúa và 20.000 tấn gạo. Lúa thì công ty mua trực tiếp từ các HTX, còn gạo do hệ thống bạn hàng xáo, từ nguồn các nhà máy xay xát gạo tư nhân…

Có thể nói sự chủ động của VFA trong việc chỉ đạo và phân bổ chỉ tiêu cho các DN ngay từ đầu vụ cộng với sự chủ động vào cuộc của các DN cùng giá lúa đang có chiều hướng ổn định như hiện nay sẽ đảm bảo thu nhập cho nông dân, đồng thời tạo điều kiện để họ tái đầu tư cho mùa vụ tiếp theo.

Liên quan đến thông tin hiện có một số DN Trung Quốc đến một số tỉnh, thành ĐBSCL để mua lúa, một DN xuất khẩu gạo ở Cần Thơ cho biết các DN này chủ yếu thu mua qua trung gian là một số DN nhỏ ở ĐBSCL. Do thị trường Trung Quốc không ổn định nên lượng xuất đi chỉ dao động 200-300 tấn, nhiều nhất chỉ khoảng 1.000 tấn. Ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng Giám đốc Gentraco, cho rằng sắp vào cao điểm thu hoạch rộ, nếu DN Trung Quốc vào để tiêu thụ lúa và đảm bảo giá mua thì không có gì phải ngại.

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm