Bênh con bằng dao

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đang thụ lý vụ Võ Văn Thiểu, ngụ huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), cố ý gây thương tích. Trong vụ này, việc Thiểu có hay không có đồng phạm đã gây nhiều tranh cãi giữa các cơ quan tố tụng.

Anh đánh, em đâm?

Theo hồ sơ, ngày 18-1-2008, nghe tin con bị người khác đánh, anh trai của Thiểu cùng Thiểu đi tìm. Trên đường đi, thấy con đang bị hai người vây đánh, anh trai Thiểu dừng xe nhảy xuống, xách con dao bứng cây rượt theo một người. Thiểu cũng xách một con dao tự chế xông vào đánh nhau với người còn lại là Nguyễn Phát Đạt.

Sau vụ xô xát, lúc người thân của ông Đạt đến đưa ông đi cấp cứu thì thấy ông bị nhiều vết đâm ở chân, đùi. Do các vết thương quá nặng, ông Đạt được chuyển từ bệnh viện huyện lên BV Chợ Rẫy (TP.HCM) chữa trị. Theo kết quả giám định, ông bị thương tật 66%.

Tại cơ quan điều tra, ban đầu anh trai Thiểu khai là sau khi rượt người kia không kịp thì quay lại dùng dao bứng cây đâm ông Đạt, còn Thiểu khai mình chỉ đánh chứ không đâm nạn nhân. Bất ngờ ba tháng sau, Thiểu nhận rằng chỉ có mình đâm nạn nhân nhưng không nhớ đâm bao nhiêu nhát. Theo lời Thiểu, lúc đánh nhau, ông Đạt té xuống có đạp ngược lại thì Thiểu bợ được chân trái, nhấc bổng lên khỏi đất, dùng dao đâm nhiều nhát từ dưới lên ở vùng kheo chân cho đến lúc nạn nhân không còn chống trả nữa mới ngưng. Anh trai của Thiểu cũng thay đổi lời khai là khi quay lại thấy ông Đạt đang ngồi bên vệ đường thì chỉ trở cán dao đánh vào chân nạn nhân hai cái.

Dựa vào các lời khai này, cơ quan điều tra, VKSND tỉnh Bến Tre chỉ xử lý hình sự Thiểu về tội cố ý gây thương tích và cho rằng không có cơ sở để khởi tố anh trai của Thiểu.

Bênh con bằng dao ảnh 1

Bỏ lọt tội phạm?

Tại phiên sơ thẩm lần đầu của TAND tỉnh Bến Tre, do nạn nhân luôn khẳng định anh trai của Thiểu cũng dùng dao bứng cây đâm vào đùi mình nên tòa đã hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Sau đó, cơ quan điều tra và VKS vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu. Vì bất bình, phía nạn nhân và cả luật sư đã đồng loạt không đến tham gia phiên sơ thẩm được mở lại hồi tháng 12-2008. Tại phiên xử này, tòa phạt Thiểu sáu năm tù, đồng thời bác lời khai của nạn nhân cùng bốn nhân chứng cho rằng anh trai của Thiểu có đâm nạn nhân. Theo tòa, các lời khai trên mâu thuẫn, không phù hợp với các chứng cứ đã thu thập được, anh trai của Thiểu cũng phủ nhận việc đâm người nên không có cơ sở xác định ông này phạm tội.

Ông Đạt kháng cáo. Theo ông, có hai nhân chứng khai trực tiếp nhìn thấy anh trai Thiểu dùng dao bứng cây đâm ông, hai nhân chứng khác khai thấy con dao bứng cây mà anh trai Thiểu cầm trên tay có dính máu, một người nữa thì kể sau này có nghe Thiểu tâm sự là “chỉ đánh chứ không đâm”. Chưa kể, lời khai của anh em Thiểu tiền hậu bất nhất…

Tại phiên phúc thẩm lần đầu, luật sư của ông Đạt cũng chỉ ra rằng thân chủ mình đã bị nhiều vết đâm, trong đó có một vết rộng tới 15 cm, phù hợp với con dao bứng cây của anh trai Thiểu (rộng hơn 6 cm) chứ không phù hợp với con dao tự chế của Thiểu (rộng gần 3 cm).

Trước các tình tiết trên, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM nhận định có cơ sở cho thấy anh trai Thiểu là đồng phạm với Thiểu. Việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông này là lọt người, lọt tội nên đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra và VKSND tỉnh Bến Tre vẫn cho rằng không có cơ sở để xử lý hình sự anh trai của Thiểu. Tháng 6-2011, xử sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh Bến Tre đã phạt Thiểu tám năm tù. Còn đối với anh trai Thiểu, do giới hạn xét xử, đồng thời vụ việc cũng từng nhiều lần trả hồ sơ nhưng VKS không thay đổi quan điểm nên tòa chỉ kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.

Về phần mình, ngay sau đó, ông Đạt đã kháng cáo yêu cầu phải xử lý hình sự anh trai của Thiểu. Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã định mở phiên xử nhưng phải tạm hoãn để nghiên cứu thêm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến mới của vụ án.

Khác nhau về đánh giá chứng cứ

Vấn đề mấu chốt là đã có sự khác nhau khi đánh giá chứng cứ chứng minh anh trai của Thiểu có dùng dao đâm nạn nhân hay không. Trong thực tiễn xét xử, các mâu thuẫn về đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan tố tụng như trên vẫn thường xảy ra. Điều quan trọng là tòa phải phân tích, đánh giá các chứng cứ như thế nào cho hợp lý, thuyết phục để ra phán quyết.

Chứng cứ quyết định số phận của bị cáo nên một số nước đã có luật riêng về chứng cứ. Ở ta chưa có luật này mà chỉ có chế định về chứng cứ trong BLTTHS. Trong giới luật học, gần đây đã từng có ý kiến đề xuất là nên có luật về chứng cứ để việc thu thập, đánh giá chứng cứ được chặt chẽ, có tính thống nhất cao. Đây là một đề xuất đáng để suy nghĩ.

Một thẩm phán TAND Tối cao

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm