Ngày 3-5, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết Bộ GTVT vừa có văn bản phản hồi sau khi nhận được công văn đề nghị miễn, giảm giá vé và mở rộng phạm vi miễn, giảm cho các phương tiện tại trạm thu phí Sông Phan, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Theo đó, Bộ GTVT từ chối không xem xét mức và phạm vi miễn, giảm giá vé mà UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị vì cho rằng “sẽ dẫn đến sự khác nhau giữa các trạm thu giá, không phù hợp với chủ trương chung của Bộ GTVT”.
Được biết trước sự phản ứng của người dân địa phương, sau nhiều lần phải xả trạm, từ 0 giờ ngày 16-1, trạm thu phí Sông Phan bắt đầu giảm giá vé cho các phương tiện xung quanh trạm gồm các xã Hàm Minh, Hàm Cường và khu phố Nam Tân, thị trấn Thuận Nam. Cụ thể, trong bán kính 5 km tính từ trạm thu phí Sông Phan, mức giảm là 50% xe không kinh doanh và 40% cho những xe khác. Tuy nhiên, người dân tiếp tục phản đối.
Theo kiến nghị của UBND tỉnh Bình Thuận, người dân trong khu vực này đã chịu nhiều thiệt thòi khi phải đóng phí sửa chữa, nâng cấp cho cầu Đồng Nai, cho quốc lộ 1 nhưng rất hiếm khi phải di chuyển qua cầu Đồng Nai, tính tới thời điểm tháng 3-2018 thì người dân nơi đây đã đóng phí qua trạm 17 năm. Do đó, tỉnh đề nghị miễn 100% giá vé cho các phương tiện không kinh doanh, giảm 50% giá vé cho các phương tiện kinh doanh (bao gồm xe chính chủ và xe không chính chủ) trong phạm vi bán kính 10 km so với trạm thu giá Sông Phan.
Tuy nhiên theo Bộ GTVT, từ ngày 1-3-2001 đến 31-12-2008, trạm này nộp thu phí nộp ngân sách, phục vụ công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ theo quy định về phí và lệ phí. Từ ngày 1-1-2009 đến 30-11-2014, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận sử dụng trạm thu phí Sông Phan để hoàn vốn đầu tư dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới. Từ ngày 1-12-2014 đến 28-2-2015 dừng thu phí. Và từ ngày 1-3-2015 đến nay sử dụng để thu phí hoàn vốn dự án BOT Phan Thiết- Đồng Nai.
Bộ GTVT cho rằng việc người dân khu vực này thiệt thòi vì đã đóng phí qua trạm là chưa chính xác và đề nghị tỉnh Bình Thuận cung cấp thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu mục đích thu phí theo từng giai đoạn.
Một cán bộ của UBND tỉnh Bình Thuận cho biết việc Bộ GTVT tính toán từng ngày trong đó có hai tháng dừng thu phí để cho rằng người dân ở khu vực này đóng phí qua trạm chưa đủ 17 năm là không đúng. Đó là chưa nói đến việc theo kết luận (ngày 27-2-2018) của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), ngày 26-5-2008, Bộ GTVT ký hợp đồng BOT xây cầu Đồng Nai với Tổng Công ty Xây dựng số 1 và ghi trong hợp đồng thỏa thuận được thu phí tại trạm Sông Phan. Thế nhưng hợp đồng này được thực hiện trước khi có ý kiến đồng ý của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính.
Chính việc “cầm đèn chạy trước ô tô” này nên ngày 1-1-2009 trạm đã đóng barie thu phí trong khi mãi đến ngày 31-12-2009 cầu Đồng Nai mới thông xe. Sau rất nhiều phản ứng, cuối cùng trạm thu phí Sông Phan mới chấm dứt việc thu phí cho cầu Đồng Nai. Đặc biệt, số tiền hơn 176 tỉ đồng mà chủ đầu tư có được sau năm năm sáu tháng thu phí từ trạm thu phí Sông Phan cách cầu Đồng Nai đến… 150 km nhưng lại không đưa vào sổ sách của phương án tài chính. Việc này làm tăng chi phí vốn đầu tư, tăng tỉ lệ chiết khấu dự án và là nguyên nhân làm tăng thời gian hoàn vốn của dự án. Ngoài ra, khi điều chỉnh, ký phụ lục hợp đồng tháng 6-2015, Bộ GTVT và chủ đầu tư đã điều chỉnh vốn đầu tư cao hơn thực tế, chênh lệch hơn 200 tỉ đồng.
Trạm thu phí Sông Phan.
Trên cơ sở kiểm toán, KTNN đề nghị dự án này phải giảm thời gian thu phí từ 18 năm bốn tháng 10 ngày còn 10 năm bảy tháng 24 ngày, tức giảm tới bảy năm tám tháng 16 ngày. Đồng thời, KTNN yêu cầu Bộ GTVT báo cáo rõ vì sao cho ký hợp đồng cho thu phí tại trạm Sông Phan trong thời gian xây dựng cầu Đồng Nai khi chưa có ý kiến của Bộ Tài chính.
Với việc ém nhẹm hơn 176 tỉ đồng từ nguồn thu tại trạm thu phí Sông Phan, cố tình không đưa vào phương án tài chính để nâng thời gian thu phí, ngoài gian dối của chủ đầu tư còn cho thấy trách nhiệm lớn thuộc về các đơn vị của Bộ GTVT như Vụ Đối tác công tư; Vụ Tài chính, Tổng cục Đường bộ, Ban quản lý dự án 7 và đặc biệt là lãnh đạo Bộ GTVT.