Bộ Ngoại giao Mỹ: WHO đã báo động quá trễ về COVID-19

Phía Mỹ vẫn chưa dừng các chỉ trích đối với Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Sau các chỉ trích của Tổng thống Donald Trump thì ngày 9-4 Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng cáo buộc WHO đã quá chậm trễ trong việc báo động toàn thế giới về sự nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, đài AFP đưa tin.

Bộ Ngoại giao Mỹ: WHO phớt lờ cảnh báo về dịch từ Đài Loan

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, WHO đã phớt lờ những cảnh báo đầu tiên của chính quyền lãnh thổ Đài Loan về sự lây lan của dịch, thể hiện sự bao che cho Trung Quốc đại lục và đặt yếu tố chính trị vào sự hợp tác y tế với Đài Loan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus. Ảnh: ANADOLU

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói Mỹ "lo ngại sâu sắc về việc thông tin từ Đài Loan đã giấu giếm trước cộng động y tế toàn cầu".

Theo bà Ortagus, Đài Loan đã cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm từ người sang người từ ngày 31-12-2019, song "tuyên bố ngày 14-1 của WHO nói rằng không có dấu hiệu lây nhiễm từ người sang người" - giống với quan điểm của Bắc Kinh.

Bà nhắc lại rằng WHO đã từ chối tư cách quan sát viên của Đài Loan từ năm 2016 và bây giờ, "WHO một lần nữa đặt yếu tố chính trị lên trên sức khỏe cộng đồng".

Bà Ortagus nói cách hành xử của WHO gây "thiệt hại cả về thời gian và sinh mạng" khi dịch bệnh đang lây lan ra toàn thế giới.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chỉ trích việc WHO ban đầu không đồng ý với quyết định của Tổng thống Trump, cấm những người đến từ Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ.

Dù Mỹ vẫn kiên quyết với quyết định của mình và nhiều nước cũng ban hành có lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại tương tự, Washington cho rằng việc WHO không đồng ý với việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc có "tác động toàn cầu" khi làm trì hoãn công tác phòng dịch trên thế giới.

Hai ngày trước khi Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng, Tổng thống Trump đã liên tục chỉ trích WHO vì cách phản ứng chậm chạp, thiên vị Trung Quốc và không công bằng với thế giới, cũng như dọa cắt tiền tiền hỗ trợ cho tổ chức này. 

Mâu thuẫn trực tiếp giữa WHO và Đài Loan

Trước khi Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng thì bản thân WHO và Đài Loan cũng đã có những mâu thuẫn trực tiếp với nhau.

Trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 8-4, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lên tiếng chỉ trích Đài Loan vì từ lãnh thổ này xuất hiện những bình luận lăng mạ ông trên mạng xã hội.

"Ba tháng trước, sự công kích xuất phát từ phía Đài Loan" - ông nói.

Ông cáo buộc các nhà chức trách Đài Loan không những không can thiệp để người dân ngừng những lời chỉ trích như vậy, mà còn tham gia vào những lời "xúc phạm và lăng mạ" đó. 

Lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn hôm 9-4 đi thăm một căn cứ quân sự ở TP Đài Nam. Ảnh: AFP

Bình luận này vấp phải sự phản ứng gay gắt từ Đài Loan.

Người phát ngôn cơ quan đối ngoại Đài Loan, bà Âu Giang An nói: "Chúng tôi chưa bao giờ khuyến khích người dân công kích cá nhân chống lại ông ấy (ông Tedros - PV) hay đưa ra các bình luận phân biệt chủng tộc".

Cộng đồng mạng ở Đài Loan thì tức giận và gọi những phát biểu của ông Tedros về Đài Loan là "vô căn cứ" và yêu cầu ông phải xin lỗi.

Viết trên Facebook, lãnh đạo Đài Loan - bà Thái Anh Văn kêu gọi ông Tedros "chống lại những áp lực từ phía Trung Quốc" để đến thăm Đài Loan và học hỏi cách vùng lãnh thổ này xử lý dịch bệnh.

Trước những phát ngôn của lãnh đạo Đài Loan, Trung Quốc đại lục cho rằng Đài Loan chỉ muốn lợi dụng đại dịch lần này để làm lợi cho chính sách ly khai của mình. Bắc Kinh cũng nhắc lại họ kịch liệt phản đối quan điểm đòi ly khai và sẽ không bao giờ để điều đó xảy ra.

Nhận định về những phản ứng của Mỹ và WHO

Những chỉ trích qua lại giữa Mỹ và WHO đang trở thành một đề tài được giới phân tích chính trị thế giới quan tâm.

Giống như Tổng thống Trump, nhiều chính khách Mỹ cho rằng WHO đã quá gần gũi với Bắc Kinh và không có phản ứng gì về cách Trung Quốc chống lại dịch COVID-19 khi nó còn chưa lây lan ra toàn thế giới.

Thậm chí, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa - bà Martha McSally hôm 2-4 đã đề nghị Tổng Giám đốc WHO từ chức, theo tờ Fox News. Nhiều thượng nghị sĩ Mỹ khác yêu cầu WHO phải đưa ra lời giải thích cho sự chậm trễ của mình.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng WHO không còn cách nào khác ngoài việc hợp tác với Trung Quốc vì dịch bệnh ấy vẫn đang diễn ra trên lãnh thổ nước này, theo AFP.

Về phía quan điểm của Washington, AFP bình luận những cáo buộc bất ngờ từ ông Trump và Bộ Ngoại giao Mỹ có thể mang động cơ "chính trị", để hướng dư luận khỏi sự phản ứng chậm chạm của bản thân nước Mỹ.

Từ tháng 1, ông Trump tuyên bố Mỹ "hoàn toàn kiểm soát" được dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện tại Mỹ đang là ổ dịch lớn nhất thế giới (hơn 468.500 ca nhiễm) và là quốc gia có số người chết vì COVID-19 cao thứ hai thế giới (gần 16.700 trường hợp - xếp sau Ý).

Tính đến 10 giờ sáng 10-4 (theo giờ Việt Nam), dịch bệnh đã xuất hiện ở 209 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho ít nhất 1.603.751 người và khiến 95.731 người tử vong, theo chuyên trang theo dõi số liệu Worldometer

Mổ xẻ tranh cãi giữa Mỹ và WHO về dịch COVID-19
Mổ xẻ tranh cãi giữa Mỹ và WHO về dịch COVID-19
(PL)- Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, các phát ngôn của ông Trump có thể làm ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của WHO nói riêng và nỗ lực chống dịch toàn cầu nói chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm