Bơi ở hồ bơi công cộng có bị lây đau mắt đỏ?

(PLO)- Bơi ở hồ bơi công cộng dễ có nguy cơ bị lây bệnh đau mắt đỏ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Con tôi 14 tuổi, chiều nào cũng bơi ở hồ bơi công cộng. Hiện đau mắt đỏ đang xuất hiện nhiều, vậy khi bơi thế này cháu có nguy cơ bị lây không bác sĩ? (Võ Thị Hoàng Mai, TP.HCM).

Trả lời

Bơi lội là môn thể thao được nhiều người yêu thích để rèn luyện sức khỏe. Hơn nữa, trẻ em cần được trang bị kỹ năng bơi lội để phòng, chống tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, hồ bơi công cộng có rất nhiều người thuộc mọi lứa tuổi tham gia nên có nguy cơ bị đỏ mắt do các nguyên nhân sau:

- Hóa chất sát khuẩn hồ bơi gây viêm kết mạc dị ứng, viêm da dị ứng…

- Nước hồ bơi bị nhiễm khuẩn (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng…) do nồng độ sát khuẩn không đủ và có thể gây viêm kết mạc nhiễm trùng. Trường hợp này thường gặp ở những hồ bơi đông người, có tần suất hoạt động cao.

Khuyến cáo: Nên chọn hồ bơi công cộng đảm bảo rộng rãi, vệ sinh tốt, nguồn nước sạch.

Trước khi bơi, chuẩn bị đầy đủ vật dụng phòng hộ cần thiết như đồ bơi, mũ bơi, kính bơi, nước muối sinh lý nhỏ mắt, súc họng…

Sau khi bơi, dùng nước muối sinh lý Natriclorid 0,9% nhỏ vài giọt vào mắt. Tiếp theo, dùng bông gòn sạch, khăn sạch thấm lau khô mắt.

Tuy nhiên, biện pháp này không phòng triệt để đỏ mắt mà chỉ giảm nguy cơ đau mắt đỏ.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, không nên bơi khi hồ bơi công cộng có người bị đau mắt đỏ và nước hồ bị nhiễm khuẩn.

Đặc biệt, người đang bị đau mắt đỏ không nên đi bơi ở hồ bơi công cộng để tránh lây lan cho cộng đồng.

BS chuyên khoa 2 NGUYỄN THỊ DIỆU THƠ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Mắt TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm