Bối rối trước yêu cầu công chứng “độc” và lạ

Để tài sản cho cún cưng

Phòng Công chứng số 2 từ chối các yêu cầu công chứng nêu trên. Ông Hoàng Xuân Hoan, Trưởng Phòng công chứng số 2, giải thích: “Theo Bộ luật Dân sự, di chúc thể hiện ý chí của một người muốn để lại tài sản của mình cho thể nhân hoặc pháp nhân. Do đó, thú cưng, vật nuôi không thể trở thành người thừa kế được”.

Cũng theo ông Hoan, những trường hợp muốn lập di chúc để tài sản lại cho thú cưng chỉ bắt đầu xuất hiện khoảng chừng một hai năm trở lại đây, trước đó chưa hề có. Nhiều người bảo rằng họ đọc báo, thấy ở nước ngoài có những trường hợp tương tự nên muốn làm theo. Tuy nhiên, pháp luật nước ta không cho phép làm như vậy. Thú cưng sống ở Việt Nam không thể trở thành những “ông chủ, bà chủ” dù chúng có được cưng chiều tới đâu đi chăng nữa.

Chứng cái... chưa có

Không chỉ bắt chước người phương Tây trong việc để tài sản lại cho thú cưng, nhiều người còn có lối suy nghĩ “sòng phẳng như Tây” đối với người chồng, người vợ của mình. Một cặp vợ chồng mới cưới dắt nhau lên Phòng công chứng số 2: “Anh chứng giùm tôi, kể từ lúc ký giấy kết hôn, tất cả tài sản chúng tôi làm ra trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc về người vợ”. Công chứng viên hỏi: “Vậy có tài sản gì rồi?”. Họ trả lời: “Chưa có, nhưng cứ chứng trước đi cho chắc ăn”.

Ông Hoan phải giải thích với họ rằng theo Luật Công chứng, công chứng viên chứng nhận “tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch”. Họ chưa có tài sản gì thì không thể chứng bâng quơ như vậy được.

Bối rối trước yêu cầu công chứng “độc” và lạ ảnh 1

Cán bộ Phòng công chứng số 5 (TP.HCM) đang lấy dấu vân tay của người yêu cầu công chứng. (Ảnh chỉ mang tính minh họa, không phải nhân vật trong bài). Ảnh: ÁI PHƯƠNG.

Một trường hợp nữa mà các tổ chức hành nghề công chứng hay gặp phải, đó là những Việt kiều mua nhà tại Việt Nam và nhờ người yêu, nhờ vợ đứng tên giùm. Họ muốn công chứng viên chứng bản cam kết rằng căn nhà thuộc về anh Việt kiều, tất cả những giao dịch liên quan đến căn nhà phải hỏi ý anh ta. Ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng phòng công chứng số 4 (TP.HCM), cho biết những giao dịch như trên là trái pháp luật, không công chứng viên nào ký nhưng lâu lâu lại thấy có người yêu cầu.

Nơi ký, nơi bảo sẽ từ chối

Muốn cho con căn nhà nhưng sợ con trở mặt, một người mẹ bèn bắt con cam kết để mẹ sử dụng căn nhà đó để ở đến hết đời, không được bán, không được thế chấp nhà.

Sau khi được Phòng công chứng số 1 (TP.HCM) công chứng hợp đồng cho tặng nhà với điều kiện như trên, người con làm thủ tục trước bạ, đăng bộ để được đứng tên trên giấy tờ nhà. Sau đó, người con làm hợp đồng cho thuê nhà và được Văn phòng công chứng Sài Gòn chứng. Hôm công chứng hợp đồng cho thuê nhà, người con có dắt mẹ theo, và người mẹ cho công chứng viên biết bà đồng ý với việc cho thuê nhà như trên.

Hợp đồng tặng cho nhà giữa mẹ và con như trên tưởng chừng đơn giản, nhưng cách nhìn nhận giữa các công chứng viên rất khác nhau. Phát biểu tại một hội nghị liên quan đến công tác công chứng, công chứng viên Phan Văn Cheo (Văn phòng công chứng Sài Gòn) đưa ra thực tế: Nhiều bậc cha mẹ thường đặt điều kiện “cho nhà cho con nhưng phải để ba mẹ ở trong nhà đó đến hết đời”, “cho nhà nhưng vẫn để ba mẹ cho thuê lấy tiền dưỡng già”... khiến công chứng viên rất bối rối.

Nhiều công chứng viên cho biết họ dứt khoát không công chứng những hợp đồng như vậy, vì tặng cho thì phải chuyển giao đầy đủ các quyền sở hữu theo Bộ luật Dân sự: chiếm hữu, sử dụng, định đoạt. Với điều kiện của người mẹ, các quyền ấy của người con không đầy đủ. Con muốn làm gì căn nhà cũng không được, vậy thì đâu phải là chủ sở hữu thực sự.

Về những hợp đồng dạng này, Sở Tư pháp TP.HCM cũng từng có hướng dẫn: “Hệ quả pháp lý của việc tặng cho là người được tặng cho có toàn quyền sở hữu đối với tài sản được tặng cho. Hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện, buộc bên được tặng cho phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định nhưng không được làm hạn chế quyền sở hữu của bên được tặng tài sản” (văn bản số 1881 ngày 2-6-2004).

Còn Trưởng phòng công chứng số 1 TP.HCM Nguyễn Quang Thắng lại đưa ra lý giải vì sao có thể công chứng hợp đồng như trên: “Theo Điều 470 Bộ luật Dân sự về tặng cho tài sản có điều kiện, bên tặng cho (người mẹ) có thể yêu cầu bên được tặng cho (người con) thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. Vậy điều kiện tặng cho trên có sai luật không? Điều 35, Điều 36 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định rằng “con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”. Như vậy, việc người con trai để mẹ sống trong căn nhà trên hoàn toàn phù hợp với pháp luật và đạo đức”.

Ông Thắng đặt ngược vấn đề: “Nói yêu cầu của người mẹ gây hạn chế quyền sở hữu của người con, giả sử không được công chứng thì người con cũng không thể có được căn nhà”. Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhìn nhận có thể xảy ra rủi ro với dạng hợp đồng như trên, vì sau khi sang tên cho người con thì có thể “mất dấu” điều kiện của người mẹ. Do đó, cơ quan cấp giấy cần ghi chú điều kiện tặng cho vào giấy chủ quyền để tránh tranh chấp về sau.

ÁI PHƯƠNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 173)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm