Theo kết quả bốc thăm diễn ra chiều qua tại Singapore, đội tuyển U-23 Việt Nam nằm ở bảng B cùng năm đội U-23 Thái Lan, Malaysia, Lào, Brunei và Đông Timor. Bảng B gồm năm đội U-23 Singapore, Indonesia, Myanmar, Campuchia và Philippines.
Theo cách phân chia hạt giống thì nhóm một là chủ nhà Singapore và Thái Lan; nhóm hai gồm Indonesia và Malaysia; Việt Nam nằm ở nhóm ba cùng Myanmar nên lá thăm may rủi đã đưa thầy trò Miura vào bảng có sáu đội.
Theo nhận định của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, không có bảng nào là “tử thần”, bởi nhóm chiếu trên đều là những đội khó chơi và cùng có trình độ như nhau. Điều quan trọng nhất là cách chuẩn bị của đội tuyển U-23 Việt Nam ra sao để đạt chỉ tiêu vào bán kết SEA Games 28.
U-23 Việt Nam gặp lại Malaysia nhưng lần này là U-23 Malaysia thật khác xa với đội vừa thua Việt Nam 1-2 ở vòng loại U-23 châu Á. Ảnh: ANH ĐỒNG
Riêng HLV Miura thì không cần chờ đến khi có kết quả bốc thăm mà từ lâu rồi ông vẫn đánh giá hai đội mạnh nhất trong khu vực là Thái Lan và Malaysia. Thế nhưng ông thầy người Nhật luôn khẳng định các học trò nếu muốn đi đến trận cuối cùng thì buộc phải đá thắng tất cả đội và việc gặp đối thủ nào trước hay sau không quan trọng.
Nhìn vào kết quả bốc thăm, rõ ràng U-23 Việt Nam nằm ở cửa khó trước, dễ sau. Cuộc cạnh tranh hai suất vào bán kết gần như chỉ diễn ra giữa U-23 Việt Nam, Malaysia và Thái Lan, còn lại các đội U-23 Lào, Brunei, Đông Timor thường mang thân phận lót đường.
Mới đây, U-23 Việt Nam đã thua 1-3 trên sân khách Thái Lan khi chuẩn bị vòng loại U-23 châu Á. Đội tuyển của thầy trò Kiatisak hiện là đương kim vô địch SEA Games và lần gặp gỡ gần đây nhất năm 2009, U-23 Việt Nam hòa U-23 Thái Lan 1-1 ở vòng bảng.
Có một chi tiết thú vị ở bốn kỳ SEA Games nằm cùng bảng với Thái Lan của các cấp độ đội tuyển (năm 1995, 1999, 2003 và 2009), Việt Nam đều vào đến chung kết và có đến ba lần tái ngộ rồi… ngậm ngùi nhìn Thái Lan đăng quang. Trong khi đó, hai lần nằm chung bảng với Malaysia (năm 2001 và 2013), đội U-23 Việt Nam đều bị loại khỏi vòng bảng. Thêm một nỗi đau khó tả trước người Malaysia ở kỳ SEA Games 2009, thầy trò Calisto tại vòng bảng thắng dễ đối phương 3-1 nhưng đến trận chung kết đã thua 0-1.
Nhìn vào lịch sử đối đầu với hai đội bóng này cho thấy cuộc chơi của U-23 Việt Nam không dễ dàng. Nếu như U-23 Thái Lan luôn là một trở ngại lớn nhất của tất cả đối thủ trong khu vực Đông Nam Á thì đội U-23 Malaysia hai lần vô địch SEA Games năm 2009, 2011. Mới đây, thầy trò Miura thắng trên sân nhà U-23 Malaysia 2-1 để đoạt vé vào vòng chung kết U-23 châu Á nhưng thành phần này không phải là mạnh nhất chuẩn bị cho SEA Games 28.
Cái khó của U-23 Việt Nam ở vòng đấu bảng là phải vượt qua một trong hai đối thủ lớn Thái Lan hoặc Malaysia để đoạt vé vào bán kết mới dễ thở hơn bởi nhiều khả năng sẽ gặp Indonesia hay chủ nhà Singapore.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương: “Trước mắt phải thắng U-23 Malaysia!” Ông Đoàn Minh Xương phân tích về khả năng của thầy trò Miura ở SEA Games 28: “Trận đấu quyết định của U-23 Việt Nam là gặp U-23 Malayia và chỉ có mỗi con đường là phải giành chiến thắng. Không chỉ ở bảng B mà trong cả khu vực Đông Nam Á, trình độ U-23 Thái Lan nhỉnh hơn về chuyên môn. Các đội còn lại gồm U-23 Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Myanmar là ngang ngửa nhau. Vấn đề của thầy trò Miura ngoài việc giải quyết tốt cái nền thể lực ở bảng đấu có sáu đội (nếu vào đến chung kết sẽ chơi bảy trận trong 17 ngày) còn là đặt lên tính hiệu quả ở hàng công. Bởi nếu nhìn vào hàng tiền đạo của ông qua vòng loại U-23 châu Á, mới chỉ thấy mỗi Công Phượng đủ sức tham chiến SEA Games, riêng Văn Toàn, Thanh Bình còn non nớt. Có thể U-23 Malaysia còn giấu bài và giấu quân ở SEA Games khác với vòng loại U-23 châu Á vừa thua U-23 Việt Nam 1-2 nhưng tôi vẫn đặt niềm tin thầy trò Miura sẽ thắng đối thủ này để lấy vé thứ hai vào bán kết”. |