‘BOT giao thông toàn tiền ngân hàng’

“Tình hình các trạm BOT không được giải quyết rốt ráo. Đề nghị Quốc hội (QH) cho thanh tra, kiểm tra toàn bộ các dự án BOT và trả lời có hay không có lợi ích nhóm. Đề nghị chuyển tất cả trạm BOT đặt sai chỗ về đúng vị trí” - cử tri Nguyễn Mậu Dự (phường An Hải Đông) lên tiếng tại hội nghị.

Chưa huy động nguồn lực xã hội

Trả lời việc này, ông Trương Quang Nghĩa cho hay các dự án BOT vừa qua được QH hết sức quan tâm và Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cũng đã vào cuộc thanh tra toàn diện, giám sát. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang thực hiện giám sát các dự án quốc lộ 1.

“Tháng 4-2016, tôi về nhận nhiệm vụ bộ trưởng Bộ GTVT thì tháng 6-2016 tôi tổ chức tổng kết năm năm thực hiện BOT. Về chủ trương, BOT là giải pháp đúng bởi nguồn lực nhà nước hiện nay rất hạn chế mà nguồn lực xã hội còn nhiều. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực thời gian qua thực sự là huy động nguồn lực xã hội hay chưa?” - ông Nghĩa tự đặt câu hỏi.

Ông Nghĩa cho rằng thời gian qua Bộ GTVT nhận định các dự án BOT giao thông chưa đạt được mục tiêu đề ra là huy động nguồn lực xã hội. Bởi hầu hết dự án đều huy động tiền ngân hàng chứ không phải các nguồn lực khác trong dân. Việc các dự án BOT đều vay ngân hàng kéo theo những rủi ro về tài chính rất lớn.

“Có cả lợi ích ở đấy”

Theo ông Trương Quang Nghĩa, ngay sau hội nghị tổng kết nói trên, Bộ GTVT quyết định tạm dừng thực hiện nhiều dự án BOT. Đặc biệt, các dự án BOT sau này đều phải tuân thủ nguyên tắc chỉ làm các tuyến đường mới, không làm trên các tuyến đường người dân đang đi. Tuyệt đối không được phép tước quyền đi lại của người dân.

“Suy cho cùng, chịu trách nhiệm đầu tiên về các dự án BOT giao thông phải là Bộ GTVT, dù để thông qua một dự án BOT thì phải có sáu bộ cùng chấp nhận.”

Ông TRƯƠNG QUANG NGHĨA, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nguyên Bộ trưởng GTVT 

“Từ tháng 6-2016 đến nay, không có dự án BOT nào được khởi công. Không phải không có nhà đầu tư mà cách thức đều là nâng cấp, làm đường tránh rồi thu tiền. Hai việc lớn nhất trong thời gian tôi làm bộ trưởng GTVT là dừng lại, rà soát, đánh giá tất cả dự án BOT để đưa ra mức phí phù hợp” - ông Nghĩa nói.

Nguyên Bộ trưởng GTVT cũng nhấn mạnh việc quan trọng nhất bây giờ là phải tập trung quyết toán các dự án BOT. Khi quyết toán thì một số vấn đề như dự án đó của ai, chi tiêu làm sao, quan hệ thế nào… sẽ lộ hết ra. Ông Nghĩa cũng nói luôn là “có cả lợi ích ở đấy nữa”.

“BOT vẫn tiếp tục phải làm nhưng không phải làm như thời gian vừa rồi. Giải quyết hậu quả như thế nào, cách thức ra sao còn phụ thuộc nhiều vấn đề. Một số địa phương đề nghị Nhà nước mua lại. Mua lại thì đơn giản quá nhưng Nhà nước đâu có tiền. Quyết tâm của Chính phủ là phải đưa ra giải pháp hài hòa, bởi các nhà đầu tư đã bỏ tiền vào đấy rồi” - ông Nghĩa nói thêm.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho hay trong kỳ họp QH vừa qua, nội dung đại biểu QH rất quan tâm là đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP. Vừa rồi, Bộ GTVT thông qua hai dự án rất quan trọng là xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc-Nam khoảng 640 km trong giai đoạn trung hạn 2016-2020 với hình thức PPP. Nhà nước bỏ vốn khoảng 40%, tương đương 55.000 tỉ đồng. Dự án thứ hai là sân bay Long Thành. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm