Hôm 25-10, nhà đấu giá Christie's ở New York, Mỹ vừa đưa ra đấu giá một tác phẩm đầu tiên được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo. Bức tranh có tên "Edmond de Belamy" được trả một cái giá khá cao 432.500 USD, cao gấp 45 lần so với ước tính ban đầu, Daily Mail đưa tin.
Bức tranh "Edmond de Belamy". Ảnh: Christie
Bức tranh "Edmond de Belamy", mang hơi hướm kinh dị, mô tả chân dung một quý ông mặc đồ đen và được đóng khung bằng vàng, trông giống như bất kỳ bức tranh chân dung tiêu biểu nào khác đến từ thế kỷ 18 hoặc 19.
Nhưng khi nhìn gần lại, bức tranh hấp dẫn người xem với khuôn mặt nhân vật mờ ảo. Thay vì chữ ký của một nghệ sĩ, nó mang một công thức toán học ở góc dưới cùng bên phải.
Ông Hugo bên cạnh bức tranh "Edmond de Belamy". Ảnh: Daily Mail
Đây là đứa con tinh thần của nhóm các nhà khoa học trí tuệ nhân tạo người Pháp, với mục đích sử dụng AI để dân chủ hóa nghệ thuật.
Chia sẻ về quá trình tạo ra đứa con cưng, Hugo Caselles-Dupre, một thành viên của nhóm cho biết họ đã cung cấp cho AI dữ liệu của 15.000 bức chân dung được vẽ từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 21 trước khi nó phân tích và sáng tạo nên tác phẩm cuối cùng.
Theo Hugo, mục tiêu của anh và các cộng sự của mình khi tạo ra tác phẩm này là để chứng minh "trí tuệ nhân tạo có thể làm nhiều hơn so với những việc đơn thuần như vận hành một chiếc xe không người lái".
Tuy nhiên, tác phẩm cũng đặt ra những tranh cãi về việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo đối với những lĩnh vực nghệ thuật đặc thù của con người.
Không chỉ vậy, các nhà khoa học cho rằng AI chỉ là một trong nhiều công nghệ có thể tác động tới thị trường nghệ thuật trong tương lai và hiện còn quá sớm để dự đoán những thay đổi cách mạng nào trong giới hội họa trong thời gian tới.