Theo hãng tin AP, ngày 14-9, Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình tham dự cuộc hội nghị được tổ chức qua hình thức điện đàm trực tuyến với một số lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) do Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trì. Sự kiện này được tổ chức nhằm thay thế phiên họp toàn thể giữa TQ với 27 lãnh đạo nước thành viên EU vốn bị hủy do đại dịch COVID-19. Tại hội nghị, giới chức EU trao đổi với TQ hàng loạt vấn đề hai bên cùng quan tâm như COVID-19, thương mại song phương, hay luật an ninh Hong Kong.
Căng thẳng trước giờ G
Trước khi cuộc điện đàm diễn ra, trả lời trang tin EUObserver, chuyên gia Janka Oertel thuộc tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu nhận định sự kiện sẽ hết sức căng thẳng khi quá nhiều vấn đề gai góc được đem ra đối thoại trực tiếp, chắc chắn sẽ dẫn đến không ít bất đồng. Tùy vào kết quả đạt được lần này, sự kiện cũng có thể được xem là bước ngoặt cho thời kỳ mới trong quan hệ EU - TQ khi đã đến lúc khối này buộc phải có hành động trước sự trỗi dậy và tham vọng ngày một lộ rõ của Bắc Kinh.
Đồng quan điểm, ông Wang Yiwei - Giám đốc Trung tâm châu Âu học thuộc ĐH Nhân dân TQ nhận định đã xuất hiện nhiều dấu hiệu EU không còn tin vào những lời hứa suông từ giới lãnh đạo Bắc Kinh, mà đòi hỏi phải có cam kết thực chất và lộ trình triển khai cụ thể. Đơn cử, yêu cầu hàng đầu của EU khi hợp tác với TQ là Bắc Kinh phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về tự do, dân chủ và quyền con người kiểu phương Tây. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế, khối này lâu nay không quá đặt nặng vấn đề này và chỉ giới hạn việc phản đối ở mức tuyên bố ngoại giao là chủ yếu.
Tuy nhiên, các diễn biến và phản ứng của TQ đối với tình hình ở Hong Kong, Tây Tạng, Tân Cương cho thấy nếu EU tiếp tục im lặng sẽ không có lợi cho hình ảnh và vị thế của EU trên trường quốc tế. Mặt khác, thị trường TQ nhiều năm qua cũng không còn giữ được sự hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư châu Âu khi Bắc Kinh tỏ ý không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, tiếp tục áp chính sách yêu cầu công ty ngoại quốc chuyển giao công nghệ, bảo hộ tài chính cho các doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh không lành mạnh với khối tư nhân.
“Giới lãnh đạo TQ nên suy nghĩ kỹ nếu cho rằng chỉ cần kinh tế là đủ để EU không bước chung chiến tuyến với Mỹ và chống lại nước này. Các nước tư bản phương Tây khi bị buộc phải chọn giữa ý thức hệ hay lợi nhuận sẽ lựa chọn cái thứ nhất vì TQ đang đe dọa tới chính môi trường chính trị mà những nước này cần để phát triển” - tờ The Nikkei dẫn nhận định của TS Minxin Pei thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ).
Thủ tướng Angela Merkel (trái) đưa Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) đến thăm sở thú Zoo Berlin và gặp một cặp gấu trúc đến từ Trung Quốc, khi ông Tập đến Đức năm 2017. Ảnh: GIANT PANDA GLOBAL
Lựa chọn nào cho EU?
Hiện một số thành viên EU đã bắt đầu có những động thái thể hiện lập trường cứng rắn với TQ. Hai ví dụ điển hình là chuyến thăm Đài Loan kéo dài năm ngày hồi tháng 8 của Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Czech - ông Milos Vystrcil và việc chính phủ Đức chính thức thông qua chiến lược “Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” ngày 2-9. Theo hãng tin Bloomberg, hai sự kiện không xuất phát từ lo ngại về sự hiện diện ngày càng gia tăng của quân đội TQ trong khu vực mà thực chất là cách EU nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của mâu thuẫn với TQ khi khối này sẵn sàng can thiệp vào những vấn đề được đánh giá là nhạy cảm trong quan hệ hai bên.
EU và TQ là hai trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trao đổi thương mại giữa hai bên đạt hơn 1 tỉ USD mỗi ngày. Do đó, chúng tôi muốn quan hệ đối tác với TQ phải dựa trên nguyên tắc có đi có lại, minh bạch, hai bên cùng có lợi. Chủ tịch Hội đồng châu Âu CHARLES MICHEL |
Dù vậy, khả năng của EU không phải là không có giới hạn. So với Mỹ, EU nhận thức rõ việc ngăn chặn ảnh hưởng của TQ mọi lúc, mọi nơi gần như không thể vì khối này vẫn cần sự hợp tác của TQ trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu hay chuẩn bị cho nguy cơ bùng phát một đại dịch nữa trong tương lai. EU chỉ mong rằng thế đối đầu hiện nay giữa TQ và Mỹ sẽ không leo thang một cuộc xung đột quân sự toàn diện và EU buộc phải chọn bên, cũng như việc tung ra các hành động cứng rắn hiện tại chỉ là giải pháp tình thế nhằm buộc Bắc Kinh hành xử có trách nhiệm hơn.
EU có thể đem Biển Đông ra đối thoại với ông Tập Về nội dung chương trình nghị sự hội nghị, báo South China Morning Post dẫn lời một quan chức EU giấu tên cho biết lãnh đạo khối nhiều khả năng sẽ đem vấn đề Biển Đông và căng thẳng quân sự tại eo biển Đài Loan ra trao đổi với Chủ tịch Tập Cận Bình. Tháng 8-2019, EU từng ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông của các bên “có ý đồ riêng”. EU khẳng định những việc làm như vậy gây tổn hại cho môi trường an ninh hàng hải, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực. Tuyên bố của EU kêu gọi tất cả các bên trong khu vực kiềm chế, có những bước đi cụ thể để hạ nhiệt mâu thuẫn, tránh quân sự hóa thực địa và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). |