Cơn bão số 4 (Noru) đổ bộ vào miền Trung khiến nhiều người dân tìm đủ mọi cách để bảo quản chiếc ô tô của mình. Theo đó, một số hình ảnh về cách bảo quản ô tô cũng được chia sẻ nhiều trên các trang mạng xã hội.
Hiện nay, để sở hữu một chiếc ô tô không còn quá khó đối với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, khi đã sở hữu nó, mỗi chủ xe cũng sẽ bảo quản nó một cách tối ưu nhất.
Theo các chuyên gia, sau khi cơn bão đi qua, các chủ xe cũng cần bảo dưỡng, chăm sóc và kiểm tra các bộ phận trên xe. Đặc biệt là đối với các xe đi qua khu vực nhiều nước hoặc chìm trong nước.
Hình ảnh bảo quản xe được các cư dân mạng truyền tay nhau. Ảnh: MXH |
Dưới đây là một số bộ phận chủ xe cần kiểm tra sau khi cơn bão đi qua:
Cần gạt nước
Cần gạt nước là bộ phận phải hoạt động liên tục khi xe di chuyển dưới trời mưa hay sương mù dày đặc. Với nguyên tắc đòn bẩy, cần gạt nước có nhiệm vụ loại bỏ bụi bẩn và nước bám trên mặt kính chắn gió, mang đến tầm nhìn tốt cho người lái. Vào mùa mưa, tần suất hoạt động cao nên cần gạt nước có thể gặp phải một số hư hỏng.
Hệ thống đèn chiếu sáng
Hệ thống đèn giống như “đôi mắt” đặc biệt giúp người điều khiển cải thiện tầm nhìn, làm chủ tình huống, phát hiện chướng ngại vật và di chuyển an toàn vào ban đêm hoặc những khu vực thiếu ánh sáng. Hơn nữa, đèn cũng là yếu tố góp phần làm nên tính thẩm mỹ cho ngoại thất ô tô.
Hệ thống đèn chiếu sáng là bộ phận thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với gió, bụi, đặc biệt là khi di chuyển dưới trời mưa gặp hơi ẩm và nước nên dễ hư hỏng hơn. Trong đó, những lỗi thường gặp nhất là: đèn có hiện tượng bị đọng sương do lọt nước vào khiến ánh sáng bị mờ, dây điện bị chập do tiếp xúc với nước, độ ẩm cao. Để khắc phục, chủ xe nên vệ sinh bên trong bóng đèn, kiểm tra dây tóc hoặc dây nối điện nếu phát hiện chập cháy cần tiến hành thay thế.
Ngoài ra, cường độ của hệ thống chiếu sáng yếu còn do người dùng trang bị loại đèn không phù hợp với công suất vận hành. Nên tham khảo sách hướng dẫn để sử dụng đúng chủng loại đèn cho ô tô để phát huy công năng và đạt hiệu quả chiếu sáng.
Các chủ xe nên kiểm tra các bộ phận trên xe sau bão Noru. Ảnh: MXH |
Ắc quy ô tô
Ắc quy là nơi dự trữ nguồn năng lượng chính của ô tô. Bộ phận này chịu áp lực lớn khi phải đáp ứng công suất cho nhiều bộ phận liên quan vận hành,... Hơn nữa, khi di chuyển trong điều kiện mưa bão, người lái phải thực hiện thêm nhiều tác vụ để đảm bảo an toàn vận hành như cần gạt nước, đèn pha, phanh, giảm tốc nên càng “ngốn” thêm điện của ắc quy. Nếu không được bảo dưỡng thường xuyên, ắc quy sẽ không đủ “khỏe” giúp xe vận hành mượt mà, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng chết máy khi đang di chuyển.
Không khó để nhận biết những trục trặc của ắc quy ô tô. Theo đó, người dùng có thể dựa vào những dấu hiệu như đèn cảnh báo phát sáng, động cơ khởi động yếu, ắc quy phồng rộp. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, nên đưa xe đến trung tâm bảo dưỡng xe hơi để kiểm tra và thay thế ắc quy, tránh gây ra những hư hỏng nặng hơn sau này.
Ngoài ra, người dùng cần giữ môi trường hoạt động khô ráo cho ắc quy ngay cả khi di chuyển trong trời mưa, thường xuyên kiểm tra điện áp và dây nối nhằm giảm nguy cơ chập, cháy.
Hệ thống phanh
Là một hệ thống an toàn của ô tô, phanh có nhiệm vụ giảm tốc hoặc dừng xe trong trường hợp cần thiết. Những trục trặc của hệ thống phanh có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Vào mùa mưa, hệ thống phanh ô tô thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường bùn đất và nước khiến phanh dễ bị oxy hóa. Lâu dần, hiện tượng gỉ sét làm giảm hiệu quả phanh, mất phanh, cảm giác nặng khi đạp phanh hoặc phát ra những âm thanh rít khó chịu ảnh hưởng đến sự an toàn của người ngồi trên xe. Do đó, khi phát hiện những dấu hiệu trên người dùng cần kiểm tra phanh và hướng xử lý kịp thời. Với những lỗi không đáng kể, người lái có thể vệ sinh, tra dầu nhớt cho hệ thống phanh. Nếu nặng hơn, nên đưa xe đến các gara uy tín để được hỗ trợ sửa chữa.
Đây là cách một chủ xe lựa chọn để không bị thuỷ kích. Ảnh: MXH |
Lốp xe
Là bộ phận chịu ma sát trực tiếp với mặt đường, lốp xe chịu nhiều áp lực và dễ hư hỏng khi vận hành. Vì thế, khi di chuyển dưới trời mưa hoặc trên đường bùn lầy, trơn trượt, lốp cần được bảo dưỡng thường xuyên để có độ bám cho xe.
Theo đó, những dấu hiệu hư hỏng thường gặp ở lốp xe như nứt, phồng hoặc mòn không đều. Áp suất lốp không đủ khi gặp tiếp xúc với đường dễ bị mòn hỏng, còn bơm quá căng lại khiến bánh xe dễ chệch hướng, rung lắc khi di chuyển tốc độ cao. Kiểm tra tình trạng lốp trước khi vận hành sẽ giúp chuyến đi không bị gián đoạn, đồng thời kéo dài tuổi thọ cho lốp.
Gầm xe
Nằm phía dưới cùng của ô tô, diện tích tiếp xúc với nước lớn khi di chuyển trong trời mưa khiến gầm xe dễ bị oxy hóa, dẫn đến hư hỏng. Trong khi đó, theo thiết kế, gầm xe phải đảm bảo sự chắc chắn để chịu được áp lực của toàn bộ khung xe.
Nếu gầm xe xuất hiện tiếng ồn khi khởi động có thể do các hệ thống treo có vấn đề. Còn nếu xe bị nghiêng sang một bên thì cần kiểm tra lực phanh tác động lên bánh xe. Gầm xe bị rò rỉ dầu cũng là tình huống thường gặp, lúc này chủ xe nên đưa xe đến gara để kiểm tra đường ống nhiên liệu. Bên cạnh đó, sơn phủ cũng là cách bảo vệ gầm xe không bị oxy hóa hiệu quả.