Chú Tư hay Tư Ánh là bí danh lấy tên từ người con gái Trần Ngọc Ánh - là cách gọi thân thương của lũ phóng viên chúng tôi khi được nói chuyện với chú.
Phải nói là khoảng cách giữa chú và chúng tôi xa vời vợi… Khi tôi tham gia phong trào HSSV Sài Gòn thì chú đã là bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, là người chỉ đạo trực tiếp phong trào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Hồ Chí Minh tại Sài Gòn. Nhưng sau này khi có dịp gặp chú, tôi thấy chú rất bình dị, nói chuyện với chúng tôi như người thầy, người anh chứ không phải kiểu của cấp trên nói với cấp dưới nên rất gần gũi. Chú Tư Ánh là một người có “giang” (duyên) ăn nói. Những vấn đề khô khan của thời cuộc, của phong trào Đoàn chú nói rất gần gũi, dễ nghe. Mỗi lần chú Tư nói chuyện là hội trường lớn Nhà văn hóa Thanh niên không còn một chỗ ngồi. Không người nào đứng dậy ra về trước vì chú Tư nói chuyện quá hấp dẫn. Nhiều khi ngồi ngẫm nghĩ lại, tôi tự hỏi cái “giang” ăn nói của chú bắt nguồn từ đâu? Có phải chăng là những lời chân thành, không đao to búa lớn, không “chém gió” lừa mị người nghe bằng những ngôn từ lớn lao mà trống rỗng. Khi chú Tư nói chuyện, ông biết người nghe muốn gì và ông xoáy vào chủ điểm đó với ngôn từ hết sức bình dân và hết sức Sài Gòn.
Chú Tư là một người Sài Gòn, cả cuộc đời chiến đấu và đến khi từ giã cõi đời, chú vẫn nằm ở mảnh đất Sài Gòn. Tôi biết Sài Gòn nhòe trang sách/ Tím bầm da thịt vết thương đau/ Tôi hiểu Sài Gòn hờn vong quốc/ Mái chèo Cát Lái nặng tâm tư… - những vần thơ trong những ngày chiến đấu và sau khi hòa bình lập lại chú Tư đã nhìn rõ “Nếu TP.HCM nghèo, Nam Bộ nghèo sẽ ảnh hưởng đến cái nghèo của cả nước”…
Những vấn đề của đổi mới đất nước, chú Tư đã âm thầm đóng góp bằng những bài viết của mình, trong những cuộc nói chuyện và ngay cả trong những bài viết châm biếm, đả phá cơ chế cũ, lạc hậu vì bao cấp và chủ nghĩa quan liêu. Những bài viết châm biếm của chú được Tuổi Trẻ Cười độc quyền đăng dưới tên tác giả là AST rất được bạn đọc quan tâm và khen ngợi. Nhiều độc giả gửi thư về tòa soạn suy đoán về nhân thân tác giả với lòng hâm mộ. Sau này, nhiều người mới biết AST chính là Trần Bạch Đằng.
Như nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải viết trong bài tham luận “…Là một nhà lãnh đạo tài năng, tài hoa của Nam Bộ thành đồng, một chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận tư tưởng văn hóa, một nhà báo mạnh mẽ, sắc sảo, thẳng thắn, một nhà văn…”. Ngoài tên Trần Bạch Đằng viết trên những bài báo chính luận, chú Tư còn ký những tên như Trần Quang, Hưởng Triều… Không ai quên được phim Ván bài lật ngửa một thời làm nổi đình nổi đám diễn viên Nguyễn Chánh Tín trong vai Nguyễn Thành Luân - đó chính là tác phẩm văn học của chú Tư, ký dưới tên Nguyễn Trương Thiên Lý. Nguyễn Thành Luân được chú Tư dựa trên nguyên mẫu một điệp viên của ta đã anh dũng hy sinh là Phạm Ngọc Thảo. Rồi sau đó là phim Ông Hai Cũ do Lý Huỳnh đóng vai chính, kể lại cuộc đời của một tay anh chị Nam Bộ đi theo cách mạng. Phim này dựa vào quyển tiểu thuyết Chân dung một quản đốc cũng của “nhà văn chú Tư” Nguyễn Hiểu Trường. Nhân vật quản đốc này cũng được chú Tư dựa vào nguyên mẫu là một tay anh chị Nam Bộ theo kháng chiến và trở thành một quản đốc xí nghiệp, vì tính nóng, khảng khái nên cuộc đời quan chức rất trầy trật. Dù dưới bút danh nào, người đọc cũng cảm nhận được ngòi bút của chú Tư viết về những con người Nam Bộ hay Sài Gòn đầy khí khái, nghĩa tình và luôn đi theo chính nghĩa dù cho phải hy sinh quyền lợi riêng tư, vị thế chính trị để bảo vệ cho lẽ phải, cái đúng.
Tại sao TP.HCM vẫn chưa có một tên đường mang tên Trần Bạch Đằng, trong khi có những con đường mang tên mà dân chẳng biết là ai và đặt theo kiểu… cho có như đường Hoa Lan, Hoa Sứ hay Khổng Tử… gì gì đó. Mong rằng nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của chú Tư - Trương Gia Triều (tên thật), TP.HCM sẽ có một con đường được mang tên Trần Bạch Đằng - một cách để tưởng nhớ một nhà chính trị, văn hóa đã hết lòng cho TP thân yêu này.
Đừng để những thế hệ sau của TP này không biết Trần Bạch Đằng là ai!