Cạnh tranh Mỹ-Trung ở Biển Đông: Cơ hội từ những thách thức

Ngày 15-10, khoa Quan hệ Quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ở Biển Đông” với diễn giả là nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông (Học viện Ngoại giao Việt Nam) Nguyễn Trường Giang. Tại đây, ông Giang cho rằng Biển Đông sẽ là nơi chứng kiến cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) bước vào giai đoạn cao trào, đặt ra nhiều thách thức cho những nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm với những thách thức này là hàng loạt cơ hội mà chúng ta phải biết tận dụng để vươn lên trong điều kiện mới.

Cục diện thế giới phức tạp, khó lường

Trên bình diện quốc tế, ông Nguyễn Trường Giang nhận định chúng ta đang sống trong một giai đoạn bất ổn khi những diễn biến không ngờ đến có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Hiện tượng này không chỉ giới hạn ở các khu vực như châu Á, châu Phi mà ngay cả châu Âu cũng xuất hiện những cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị. Trong khi đó, cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung trên toàn cầu lan rộng sang nhiều lĩnh vực từ tài chính, kinh tế, chính trị đến khoa học công nghệ, đặt ra nguy cơ kéo theo sự tham dự của những nước khác và tác động tiêu cực đến trật tự thế giới hiện hành.

Ngoài những mối đe dọa an ninh truyền thống, chuyên gia trên cũng cảnh báo các vấn đề phi truyền thống như biến đổi khí hậu cần phải nhận được sự quan tâm nhanh chóng và đầy đủ trước khi quá muộn vì độ tàn phá của nó sẽ còn lớn hơn bất kỳ cuộc chiến tranh nào do con người gây ra. Những hậu quả này cả nước phát triển lẫn đang phát triển đều phải hứng chịu với mức thiệt hại tương đương, một số quốc gia biến mất hoàn toàn dưới mực nước biển hay môi trường thay đổi đến mức không thể duy trì sự sống là những ví dụ điển hình.

Tàu chiến hải quân Mỹ, Nhật tập trận chung ở Biển Đông ngày 13-10. Ảnh: AP

Tình hình Biển Đông tỏa nhiệt

Đặt trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp như trên, việc Biển Đông trở thành một điểm nóng căng thẳng giữa Mỹ và TQ cũng không có gì quá ngạc nhiên, nhất là với số lượng tàu chiến, khí tài quân sự mà Bắc Kinh đem vào vùng biển này những năm gần đây. Theo ông Nguyễn Trường Giang, TQ hiện là cường quốc mới trỗi dậy với tiềm lực quân sự, kinh tế đang trên đà phát triển.

Do đó, nước này xem Biển Đông là khu vực để thể hiện sức mạnh và độc chiếm Biển Đông là bước đầu tiên trong việc xác lập TQ chính là cường quốc hàng đầu thế giới trong thời kỳ mới, không phải Mỹ. Bắc Kinh từ lâu cũng xem việc kiểm soát Biển Đông là một phần của việc duy trì lợi ích cốt lõi của TQ, tương tự các khu vực Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan. Bốn khu vực này được đặc biệt chú trọng bởi nó liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia và ổn định chính trị của TQ nên chắc chắn Bắc Kinh sẽ không có bất kỳ nhượng bộ nào về cái gọi tuyên bố chủ quyền của TQ ở đây, không loại trừ khả năng can thiệp quân sự nếu cần.

Về phía Mỹ, nước này kể từ thời Tổng thống George H. W. Bush (nhiệm kỳ 1989-1993) đã rất chú trọng việc duy trì hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương và xác định việc duy trì an ninh, ổn định ở Biển Đông là lợi ích quốc gia. Đến thời Tổng thống Donald Trump, nhận thức này ngày càng phát triển, thành một phần của chiến lược lớn hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Có thể thấy Mỹ-TQ đã xảy ra mâu thuẫn lợi ích trong cách tiếp cận vùng biển này và mâu thuẫn này tăng lên theo thời gian.
Ông Giang cũng lưu ý là Mỹ từ khi ông Trump lên nắm quyền đã thay đổi rõ rệt quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông và TQ thông qua những động thái cứng rắn hơn, lập trường chống đối công khai hơn. Nếu như dưới thời Tổng thống Barack Obama, hải quân Mỹ chỉ tổ chức một vài cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải đi kèm thông điệp hết sức trung tính là thực thi quyền tự do hàng hải của tàu bè nước ngoài trên vùng biển quốc tế thì từ năm 2017, nước này đã có hơn 10 cuộc tuần tra như vậy diễn ra với những thông điệp mang tính thách thức như Mỹ sẵn sàng duy trì hiện diện xung quanh các thực thể mà TQ chiếm đóng trái phép.

TQ là một con hổ và một con hổ thì không quan tâm gì đến luật pháp mà nó chỉ cần thỏa mãn cơn đói, ở đây là tham vọng chủ quyền ở Biển Đông. Để đối phó với TQ thì chúng ta cần phải vận dụng hết sức những lợi thế của đoàn kết và hợp tác, tránh sa đà vào cạnh tranh sức mạnh thuần túy với họ.

NGUYỄN TRƯỜNG GIANGnguyên Viện trưởng Viện Biển Đông
(Học viện Ngoại giao Việt Nam)
 

Một điểm đáng chú ý trong tình hình Biển Đông thời gian qua là Mỹ và các nước đồng minh đã bắt đầu tham gia đấu tranh chống tham vọng chủ quyền của TQ trên phương diện pháp lý mà điển hình là việc hàng loạt quốc gia (trong đó có Mỹ) gửi công hàm bác bỏ các yêu sách phi lý của Bắc Kinh lên Liên Hợp Quốc. Mỹ từ tháng 5 đến tháng 7-2020 cũng liên tục đưa ra những tuyên bố xác lập rõ là nước này không chấp nhận cái gọi là đường chín đoạn của TQ ở Biển Đông và cảnh báo trực tiếp ý đồ biến Biển Đông thành đế chế hàng hải của Bắc Kinh.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, việc ngày càng nhiều nước chọn đấu tranh pháp lý với TQ là một dấu hiệu đáng khích lệ và về dài hạn sẽ tốt hơn cho tình hình của Biển Đông hơn là sự xuất hiện dày đặc của các loại tàu chiến, tàu sân bay. Đối với những nước nhỏ, luật pháp quốc tế là công cụ hữu hiệu để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình không bị xâm phạm bởi vì một lý do đơn giản, khi chúng ta hành xử đúng luật thì toàn thế giới sẽ đứng về phía chúng ta và điều đó có sức mạnh hơn bất kỳ đội quân hùng mạnh nào. Việc tận dụng công cụ pháp lý cũng giúp hạn chế nguy cơ Bắc Kinh lợi dụng sơ hở, xuyên tạc luật pháp quốc tế để củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp của mình.

Ông Giang chia sẻ rằng thông qua kinh nghiệm nghiên cứu, ông nhận thấy TQ chỉ xem luật pháp quốc tế như là một bước đệm trên con đường trở thành siêu cường và sẽ sẵn sàng vứt bỏ một khi không còn giá trị lợi dụng. “TQ chỉ muốn chơi theo luật riêng của họ và khi nước này ngày càng phát triển, họ càng tự cho mình cái quyền vẽ lại luật chơi của những nước khác thông qua sức mạnh của bản thân, chúng ta không được để kịch bản đó xảy ra” - ông Giang cảnh báo.

Nhìn chung, học giả Nguyễn Trường Giang cho rằng trong thời gian tới, dù tham vọng của TQ sẽ không giảm đi nhưng về cơ bản, cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ tạm thời gây khó cho những bước tiến của TQ ở Biển Đông. Những nước trong khu vực cần tận dụng ảnh hưởng tích cực này để sẵn sàng đối phó với những bất ngờ trong tương lai.

Tàu sa n bay USS Ronald Reagan của Mỹ quay lại Bie ng

Cổng thông tin chính thức của Hạm đội 7 hải quân Mỹ ngày 15-10 cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan vừa tiến vào Biển Đông để thực hiện các hoạt động tập trận, diễn tập đa lực lượng. Đây là lần thứ ba nhóm tàu này quay lại Biển Đông trong năm nay. Chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, Chuẩn đô đốc George Wikoff khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục thể hiện cam kết của Mỹ đối với hoạt động hợp pháp tại các vùng biển quốc tế và sẽ luôn hợp tác với các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để thúc đẩy ổn định khu vực”. Ngoài Biển Đông, USS Ronald Reagan gần đây cũng hoạt động ở Ấn Độ Dương, thực hiện hai chuyến đi qua eo biển Malacca và hoàn thành nhiều cuộc tập trận đa quốc gia ở Thái Bình Dương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm