Cập nhật tình hình châu Âu - tâm dịch COVID-19 mới

Châu Âu hiện đã thay vị trí tâm dịch COVID-19 của thế giới vốn của Trung Quốc, theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13-3. Theo thống kê của WHO, dịch đã lan ra 27 nước châu Âu với tổng cộng khoảng 25.000 người nhiễm, theo báo Guardian.

Tại Ý - nước có dịch lớn nhất châu Âu, ngày 13-3 nước này ghi nhận có tới 250 ca tử vong mới - số người chết nhiều nhất một ngày kể từ khi dịch xuất hiện ở Ý. Bên cạnh 1.266 người chết tính đến ngày 13-3 thì Ý cũng đang có 17.660 ca nhiễm, tăng tới 2.547 ca so với ngày trước đó. Tỉ lệ tử vong ở Ý tới 7%, cao hơn nhiều so với hầu hết các nước khác.

Người dân đi chợ ở TP Naples (Ý) ngày 13-3 - ngày phong tỏa cả nước thứ tư. Ảnh: REUTERS

Ý đã áp dụng lệnh phong tỏa cả nước từ đầu tuần. Tuy nhiên, ngày 13-3 lãnh đạo y tế vùng Lombardy - tâm dịch với 3/4 số người chết ở Ý - nói lệnh phong tỏa vẫn chưa đủ để chống dịch ở địa phương này và đề nghị cho chính quyền bang siết thêm đóng cửa nhà máy, văn phòng, giao thông công cộng.

Bệnh nhân bên trong một bệnh viện ở TP Brescia, vùng Lombardy (Ý) ngày 13-3. Ảnh: REUTERS

Chưa rõ Thủ tướng Giuseppe Conte có đồng ý không khi vùng Lombardy và thủ phủ Milan là trái tim kinh tế của Ý.

Dù sao thì lệnh phong tỏa cũng giúp tình trạng ô nhiễm ở Ý giảm mạnh trong những ngày này.

Tây Ban Nha là nước có dịch lớn thứ hai châu Âu, sau Ý. Tính đến hết ngày 13-3 Tây Ban Nha có 4.231 ca nhiễm (tăng tới khoảng 1.000 ca so với ngày trước đó), 120 người chết. Thủ tướng Pedro Sanchez cảnh báo số ca nhiễm có thể tăng tới cả 10.000 ca vào tuần tới.

Mang khẩu trang trên đường phố Madrid (Tây Ban Nha) ngày 13-3. Ảnh: REUTERS

Trước tình hình dịch lan quá nhanh, ngày 13-3 Tây Ban Nha đã áp dụng tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày.

Pháp tính tới ngày 13-3 có 79 người chết và 3.600 ca nhiễm (tới 800 ca nhiễm mới chỉ trong ngày 13-3). Tổng thống Emmanuel Macron nói Pháp đang phải đối mặt với khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất thế kỷ. Ông Macron cũng khẳng định Pháp sẽ làm mọi cách để bảo vệ sức khỏe người dân lẫn kinh tế, việc làm, doanh nghiệp.

Ngày 13-3 Đức có tới 671 ca nhiễm mới, đưa tổng ca nhiễm nước này lên tới 3.062 ca, trong đó có năm ca tử vong.

Chính phủ Đức ngày 13-3 phải ra lệnh đóng cửa trường học đến 20-4 tới. Nhiều bang lệnh cấm tụ tập trên 100 người.

Tiết học cuối tại một trường học ở thị trấn Hanau, bang Hesse (Đức) trước khi các trường học phải đóng cửa theo lệnh chính phủ ngày 13-3. Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đề nghị các bệnh viện mời các nhân viên y tế đã về hưu trở lại làm việc chuẩn bị cho kịch bản số lượng bệnh nhân tăng cao.

Tại Anh, từ đầu tuần tới nước này sẽ cấm mọi sự kiện công cộng tụ tập đông người. Nữ hoàng Elizabeth 93 tuổi hủy lịch trình xuất hiện trước công chúng. Tính đến sáng 14-3 Anh có 798 ca nhiễm trong đó 11 ca chết.

Thủ tướng Anh Boris Johnson thời điểm này vẫn kiềm chế áp dụng các biện pháp khắt khe mà một số nước châu Âu khác đã áp dụng để ngăn dịch, như phong tỏa ở Ý.

Một thanh niên mang khẩu trang xuống một trạm tàu điện ngầm ở London (Anh) ngày 13-3. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13-3 nói Mỹ có thể đưa cả Anh vào danh sách cấm nhập cảnh như Mỹ đã áp dụng với các nước châu Âu khác.

Ngày 14-3, Cộng hòa Czéch đóng cửa mọi trung tâm mua sắm, nhà hàng cả nước trong 10 ngày, ngoại trừ nhà thuốc, ngân hàng, bưu điện, cửa hàng thực phẩm…. Trước đó nước này đã đóng cửa trường học, cấm mọi sự kiện công cộng. Từ đầu tuần sau nước này cấm mọi công dân đi ra nước ngoài, cấm công dân nước ngoài nhập cảnh. Đất nước trung Âu 10,7 triệu dân này có 150 ca nhiễm tính đến sáng 14-3, chưa có người chết.

Áo kiểm soát chặt hơn biên giới với Thụy Sĩ và Liechtenstein. Từ đầu tuần sau Áo sẽ cấm mọi chuyến bay với Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ. Trước đó Áo đã đóng cửa biên giới và cấm bay với Ý. Áo đang có 504 ca nhiễm và một người chết, tính đến ngày 14-3.

Ngày 14-3, Bộ Nội vụ Ba Lan không loại trừ khả năng phải hoãn lịch bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới. Ngày trước đó Ba Lan nói sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài. Nước này đang có 84 người nhiễm và hai người chết, tính đến sáng 14-3.

Nhân viên y tế bên ngoài một khu lều khẩn cấp dùng chữa trị bệnh nhân COVID-19 ở TP Czestochowa (Ba Lan) ngày 11-3. Ảnh: REUTERS

Na Uy ngày 14-3 khuyến cáo công dân không đi ra nước ngoài, đồng thời đề nghị công dân Na Uy ở các nước khác nhanh chóng quay về nước. Sân bay Oslo ngưng chấp nhận người nước ngoài nhập cảnh từ ngày 13-3. Ngày trước đó chính phủ nước này áp dụng tình trạng khẩn cấp, đóng cửa trường học, nhà hàng, yêu cầu người dân làm việc tại nhà nếu có thể.

Ireland khuyến cáo công dân không sang các nước châu Âu khác nếu không cần thiết. Trước đó Ireland đã đề nghị công dân không đi sang Ý, Trung Quốc, Iran, Tây Ban Nha.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm