KHỞI NGHIỆP TRẺ - BÀI 5:

Chàng trai Harvard đưa rạp phim về tỉnh lẻ

Hiện là giám đốc một công ty về truyền thông giải trí nhưng dấu ấn khởi nghiệp của anh lại bắt đầu bằng một cụm rạp chiếu phim tiền tỉ ở tỉnh Thái Nguyên.

Tôi gặp Bùi Quang Minh trong lần ra mắt bộ phim sitcom công thức Mỹ có tên Phía tây thành phố. Trong dự án đó, Minh tự nhận mình là người khá tham lam khi vừa đảm nhận vai trò giám đốc sản xuất, đồng thời cũng đảm nhận một vai trong phim.

Biết dừng lại và thoát ra

Cái tên Minh Beta bây giờ đã khá nổi trong lĩnh vực này, tuy nhiên từ những năm 2009 anh đã ghi dấu ấn của mình với thương hiệu chuỗi cửa hàng Doco Donuts. Đây cũng là dự án kinh doanh đầu tiên của anh sau khi về nước. “Thời điểm đó, trào lưu bánh donuts đang phát triển rất mạnh ở nhiều nước châu Á. Vì thế tôi nghĩ nó sẽ gặt hái thành công tại Việt Nam. Tôi bắt tay vào mở một cửa hàng ban đầu ở phố Hàng Bông với số vốn khoảng 300 triệu đồng” - Minh chia sẻ.

Không đặt ra quá nhiều mục tiêu nhưng chỉ trong vòng ba tháng kể từ khi chính thức có mặt trên thị trường anh đã thu hồi được số vốn bỏ ra. Sau hai năm anh đã có sáu cửa hàng trên cả nước. Bỗng dưng Bùi Quang Minh quyết định buông bỏ tất cả để thoát ra khỏi dự án đang sinh lời này. Giải thích cho hành động của mình, anh cho hay ban đầu chỉ định hướng phát triển sản phẩm theo phân khúc đồ ăn “thời trang”, nghĩa là nó có thể lên xuống theo phong trào. Vì thế trước khi trào lưu này đi xuống, anh đã quyết định thoát ra. Hơn nữa, cửa hàng càng phát triển anh càng thấy lỗ hổng của mình là không có kỹ năng quản lý cả một chuỗi cửa hàng như vậy. Với anh quyết định từ bỏ Doco Donuts là một quyết định sáng suốt, một bước đệm quan trọng trong sự nghiệp kinh doanh của mình.

“Có nhiều bạn trẻ ở Việt Nam có tư tưởng kinh doanh đó là làm cái gì phải sống chết với nó cả đời. Họ nghĩ rằng đang làm mà dừng là đồng nghĩa với thất bại. Thực ra đó là một tư tưởng khá là cổ hủ” - Bùi Quang Minh thẳng thắn.

Bùi Quang Minh cho rằng người trẻ đừng than phiền tôi có ý tưởng mà chưa có vốn. Hãy xông ra và làm, chấp nhận thất bại rồi đứng dậy đi tiếp. Ảnh nhân vật cung cấp

Không thể mãi tự dạy mình

Sau khi từ bỏ Doco Donuts, Bùi Quang Minh theo học tập tại ĐH Harvard với chuyên ngành thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA). “Đã đến lúc tôi nghĩ mình không thể tự dạy mình được nữa. Tôi cần đi, cần tiếp xúc với môi trường mới, tư tưởng mới” - anh khẳng định.

Thời gian học ở Harvard với anh đã đem lại những trải nghiệm và kiến thức thú vị. Nó giúp anh nhận ra nếu chỉ theo đuổi những nhu cầu của cá nhân thì mình sẽ không bao giờ thấy thật sự thỏa mãn. Bên cạnh đó bản thân cần có những mục tiêu cao đẹp và rộng hơn thì mới có động lực để làm việc một cách bền bỉ và đam mê. Cần gắn cuộc sống và công việc của mình với xã hội, làm sao để mình có thể góp sức khiến mọi thứ quanh mình tốt đẹp hơn và qua công việc mang lại những ảnh hưởng tốt, sâu rộng cho xã hội.

Quan trọng hơn, anh nhận thấy mình không thể đơn độc trong hành trình đó và đó là điều vì sao phải xây dựng được một đội ngũ đủ tốt, cùng chung ý chí trên hành trình của mình. Nói thêm về những nhận thức mới của mình, anh tâm sự: Thời gian đầu có lúc anh đã không tìm được lửa trong công việc của mình. Lý do là: “Tôi cứ nghĩ kiếm được tiền rồi, mở rộng kinh doanh rồi lại kiếm được tiền… nhưng tiếp theo để làm cái gì?”. Câu hỏi đó chỉ được anh trả lời một cách rõ ràng khi bước vào môi trường học tập thực sự chuyên nghiệp và nghiêm túc. Bắt đầu từ năm thứ hai, anh đã manh nha những ý tưởng táo bạo của mình khi về nước.

Truyền cảm hứng từ rạp chiếu phim

Năm 2015 cụm rạp chiếu phim Beta Cineplex ở tỉnh Thái Nguyên chính thức đi vào hoạt động. Cụm rạp này ngốn của Bùi Quang Minh số vốn khoảng 12-13 tỉ đồng. Đó cũng là số tiền anh có được từ những hoạt động kinh doanh trước đó, huy động từ gia đình và bạn bè.

Quyết định đưa rạp chiếu phim về tỉnh lẻ là một quyết định táo bạo nhưng không phải ngẫu hứng của một chàng trai có bằng quản trị kinh doanh của ĐH Havard. Tuy nhiên, với dự án này lựa chọn của anh có cả lý tính lẫn cảm tính. Anh giải thích: “Về lý tính, các cụm rạp hiện tại vẫn chỉ tập trung ở các TP lớn và nhắm vào phân khúc khách hàng có khả năng chi trả cao. Trong khi đó một số lượng lớn khách hàng trung cấp ở các địa phương vẫn chưa được tiếp cận nhiều với loại hình này, kinh tế đang phát triển người dân ngày càng có khả năng chi trả cho nhu cầu giải trí. Về cảm tính đó là niềm đam mê của tôi, tôi muốn tăng thêm sự hiểu biết cho khách hàng, họ đi xem phim họ không nghĩ là đang đi học nhưng xem một bộ phim có thể học được rất nhiều”.

Để làm được điều này, anh rất kỹ lưỡng trong thiết kế, đảm bảo cơ sở vật chất tốt nhưng giá cả cũng phải hợp túi tiền khách hàng tiềm năng. Theo đó, giá vé ở các cụm rạp này chỉ bằng 65%-70% các rạp ở các TP lớn. Xác định đối tượng chính vẫn là giới trẻ nhưng các cụm rạp của anh ở đây cũng hướng tới môi trường thân thiện để phù hợp cho đối tượng là cả gia đình cũng có thể vào xem. Với triết lý này, sau một thời gian hoạt động anh đã đạt mục đích đặt ra ở cả góc độ kinh tế lẫn góc độ là thị trường, đưa đến thói quen giải trí hiện đại cho những người trước đó chưa bao giờ có cơ hội trải nghiệm. Dự kiến trong thời gian tới anh sẽ phát triển thêm sáu cụm rạp ở một số tỉnh phía Bắc.

Tuy nhiên, với anh kế hoạch tự sản xuất phim tại Việt Nam mới là mục tiêu quan trọng của công ty. “Sản xuất những bộ phim hay, hiện đại, mang thông điệp tốt nhưng sinh động và không khô khan chính là cách để chúng tôi có thể tác động tích cực đến xã hội” - anh nói.

Người trẻ đừng than phiền

Nhìn vào con đường khởi nghiệp của Bùi Quang Minh dường như chỉ thấy những hào quang phẳng lặng nhưng đằng sau đó anh cũng phải đối mặt với những khó khăn mà người trẻ khởi nghiệp gặp phải. Anh cho biết ngay trong dự án đầu tiên đã có những cửa hàng anh phải mở ra rồi đóng lại vì không hiệu quả, cũng có lúc căng thẳng vì phải xử lý quá nhiều việc nhưng anh coi đó như một phần tất yếu của khởi nghiệp.

“Khó khăn lớn nhất của tôi đó là vượt qua chính mình. Khởi nghiệp cũng như leo ngược lên một con dốc không bao giờ ngừng nghỉ. Bởi chỉ cần mình dừng lại hoặc là bị người khác vượt qua, hoặc là mình tụt dốc may mắn lắm mới đứng yên được. Đừng bao giờ lên đến đỉnh núi rồi đứng nhìn xuống và nghĩ mình đã qua được chặng đường gian nan” - anh chia sẻ.

Từ trải nghiệm của mình, anh cho rằng vấn đề của người trẻ Việt Nam đó là không chịu xông pha, không dám thất bại và không kiên trì: “Nhiều người nghĩ mình có ý tưởng nhưng không có vốn. Tôi đã làm việc với nhiều nhà đầu tư và biết rằng số vốn nhà đầu tư muốn  đưa vào Việt Nam rất nhiều, hình dung như tiền đang bay trên đầu. Nhưng ý tưởng phải gắn với hiện thực, nếu bạn có ý tưởng mà không gọi được vốn đó là do niềm đam mê, sự tận tụy với ý tưởng ấy chưa đủ mạnh để thuyết phục nhà đầu tư hoặc bạn chưa biết xây dựng những bước đi nhỏ lẻ” - anh chia sẻ.

Con người đa năng

Bùi Quang Minh hiện là tổng giám đốc Công ty Beta Media. Anh từng tốt nghiệp hạng ưu ĐH Sydney (Úc), được nhận học bổng Fulbright và hoàn thành khóa học MBA tại ĐH Harvard. Minh Beta còn được biết đến với vai trò ca sĩ, nhạc sĩ, là tác giả của ca khúc Việt Nam ơi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm