Hội nghị giao ban các doanh nghiệp phía Bắc về thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ sáng 6-3 do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn của doanh nghiệp.
Hội nghị thu hút hàng trăm doanh nghiệp, doanh nhân, những người đang trực tiếp hưởng lợi từ nghị quyết tiến bộ của Chính phủ. Tuy vậy, trong thực tế, Nghị quyết 35 không hẳn đã được các bộ, ngành, địa phương triệt để thi hành
Ông Mai Đình Mạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Cơ điện Việt Nam sau khi đưa ra nhiều kiến nghị đã kể: có một doanh nghiệp làm đường dây cao thế cho Phường 14, Q.10 TP.HCM. Dự án kết thúc từ 2012, nhưng đến nay DN này vẫn bị nợ 10 tỷ đồng. "Với DN nhỏ mà bị nợ thế thì khó khăn lắm. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều nhưng chưa được giải quyết", ông Mạnh nói
Còn ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam kể: ông đã đến một địa phương, nằm chờ 3 ngày để xin gặp lãnh đạo tỉnh nhưng không được tiếp.
"Thế thì tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp của Nghị quyết 35 nằm ở đâu trong tư duy lãnh đạo, cán bộ công chức địa phương?", ông Đệ đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Xuân Thành, đại diện Tập đoàn Xuân Thành (Ninh Bình) phát biểu theo tham luận đã được soạn sẵn. Tuy nhiên, vị đại diện này cũng cho rằng: để Nghị quyết 35 của Chính phủ đi vào cuộc sống thì cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành.
Ông Vũ Tiến Lộc sau đó thông tin thêm rằng: Hiệp hội DN tỉnh Ninh Bình có lẽ là hiệp hội đặc biệt nhất vì được UBND tỉnh dành hẳn một nơi trong khuôn viên UBDN tỉnh để làm trụ sở. Điều này làm cho các kiến nghị của DN có thể đến ngay được với lãnh đạo tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội DN Hưng Yên nói rằng: Bí thư, Chủ tịch tỉnh Hưng Yên rất tích cực tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng đúng là bộ máy bên dưới còn nhiều vấn đề.
"Sợ là hết nhiệm kỳ Chính phủ này cũng chưa thể làm hết những gì Nghị quyết 35 đề ra. Chúng ta cần phải chờ", ông Dương nói
Chủ tịch Hiệp hội DN quận Hải An, TP. Hải Phòng Đặng Thế Lưỡng dường như có ý kiến khác với Bầu Đệ khi ông thông tin rằng: Bí thư và Chủ tịch Hải Phòng rất quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho DN. Cứ ngày 10 hàng tháng, lãnh đạo Hải Phòng và đại diện các sở, ngành, huyện Hải Phòng đều gặp gỡ, lắng nghe ý kiến DN. Điều này, theo ông Lưỡng, làm cho các Sở, ban, ngành, huyện của Hải Phòng "sợ" không dám dây dưa, kéo dài việc giải quyết các kiến nghị của DN.
Hiến kế cho việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35 của Chính phủ, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Tuyên Quang cho rằng: các địa phương cần học tập tỉnh Quảng Ninh xây dựng trung tâm dịch vụ hành chính công để chuyển từ "hành là chính" sang phục vụ. Theo đó, phẩm chất, năng lực của cán bộ, công chức là điều căn bản.
Đại diện Phòng thương mại Hoa Kỳ, AmCharm cho hay: có những mâu thuẫn giữa luật và các văn bản dưới luật, khiến cho nhiều thủ tục có thể mất tới 390 ngày để hoàn thành. Bà hiến kế nên có những sửa đổi về luật pháp để đồng bộ hóa hệ thống quy định nhằm tạo thuận lợi cho DN
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói rằng: những ý kiến của cộng đồng DN hôm nay sẽ được tập hợp để gửi cho Thủ tướng trước thềm gặp gỡ diễn ra vào cuối tháng 3-2017. Bên cạnh báo cáo của VCCI, Thủ tướng cũng sẽ nhận được báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. "Thủ tướng sẽ nghe bằng "hai tai", một bên là cộng đồng DN, một bên là các cơ quan quản lý nhà nước", ông Lộc nói và truyền đạt ý kiến của Thủ tướng rằng: trong cuộc gặp tới đây, Thủ tướng mong muốn DN hiến kế nhiều hơn là than phiền về những khó khăn cụ thể.