Lúc mới gia nhập thị trường, khi đó là ACE Life, ông Lâm Hải Tuấn người đứng đầu của Chubb Life Việt Nam (hiện nay) đã nhiều lần khẳng định, ông rất kiên định với con đường tăng trưởng phải đi đôi với bền vững. Công ty này không bao giờ làm bằng mọi giá để có được sự tăng trưởng nóng. Bởi vì, với kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (BHNT), sự đột phá về tăng trưởng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Và, sự kiên định này đã được đền đáp với “trái ngọt”. Cụ thể, trong 14 năm hoạt động thì Chubb Life Việt Nam có 10 năm liên tục có lãi. Báo cáo thường niên 2018 của Chubb Life Việt Nam cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của công ty tăng trưởng 16%, hoạt động đầu tư đạt lợi nhuận tăng trưởng gần 19% so với năm 2017 và tiếp tục duy trì năng lực tài chính vững mạnh với biên khả năng thanh toán luôn cao hơn yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, gần 240%.
Chubb Life Việt Nam: Không có đường tắt để đến thành công.
Năm 2018 trong bối cảnh nhiều công ty BHNT trên thị trường báo lỗ, đặc biệt có cả những doanh nghiệp bảo hiểm có lãi rồi lại rơi vào cảnh lỗ kỹ thuật (do chi phí trích lập dự phòng tăng). Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế của Chubb Life Việt Nam vẫn đạt khoảng 300 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này tăng hơn 50% so với năm trước. Đáng chú ý là khi xét chỉ tiêu lãi lỗ tích lũy từ khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động đến cuối năm 2018, toàn thị trường chỉ có 6 công ty BHNT có lãi tích lũy, trong đó Chubb Life đứng thứ 3 về chỉ tiêu này. Ngoài ra, xét về tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần năm 2018, hãng bảo hiểm đến từ Hoa Kỳ hiện đang dẫn đầu thị trường về tiêu chí này, với tỷ suất là 10%.
Chubb Life hiện đang dẫn đầu thị trường về tiêu chí tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần năm 2018.
Việc giữ đúng định hướng không tăng trưởng nóng, phát triển thận trọng nhưng vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm mới là một trong những bí quyết giúp Chubb Life Việt Nam khẳng định được vị thế của mình trong một thị trường bảo hiểm luôn có nhiều biến động. “Một công ty bảo hiểm sẽ khác công ty hàng tiêu dùng, vì sản phẩm bảo hiểm có thời hạn đến 99 năm. Muốn tồn tại lâu dài, phải có uy tín và hiệu quả kinh doanh. Một công ty có thị phần rất lớn, nhưng không đem lãi về cho tập đoàn và cổ đông thì công ty đó cũng khó tồn tại. Ngược lại, cũng có những công ty đang có thị phần lớn, nhưng uy tín ngày càng giảm thì thị phần cũng giảm dần. Đó chính là lý do vì sao từ khi bước chân vào thị trường bảo hiểm Việt Nam, chúng tôi chưa bao giờ chạy theo mục đích thị phần”, CEO của Chubb Life Việt Nam nhấn mạnh.
Nghĩa là, với việc quản trị rủi ro tốt, có tầm nhìn chiến lược xa theo hướng đảm bảo an toàn tài chính cho khách hàng trong dài hạn chứ không chạy theo thành tích tăng trưởng nóng trong ngắn hạn, Chubb Life Việt Nam là một trong số ít công ty BHNT có định hướng phát triển sản phẩm khác biệt và hơi “ngược dòng” so với thị trường. Các sản phẩm mới Chubb Life cũng đã góp phần thay đổi suy nghĩ của khách hàng Việt Nam với định hướng: bảo hiểm không phải là để tích lũy, mà là để bảo vệ và hợp đồng BHNT phải là những cam kết lâu dài. Đó chính là sản phẩm liên kết chung (UL - Universal Life) - dòng sản phẩm này tạo nên một thương hiệu rất riêng biệt của Chubb Life Việt Nam.
“Doanh nghiệp BHNT phải có khả năng trường tồn với thời gian để khách hàng an tâm đồng hành đi hết chặng đường của cuộc đời”, đại diện Chubb Life Việt Nam nói.
Chính nhờ kiên định dòng sản phẩm liên kết chung này đã giúp Chubb Life Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều bởi thay đổi lãi suất của thị trường. Bởi vì, trong năm 2018, Chubb Life tập trung bán các sản phẩm UL (liên kết chung) nên không bị ảnh hưởng nhiều đến lãi suất. Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm bán sản phẩm truyền thống đều bị ảnh hưởng và đều phải trích lập dự phòng rủi ro, một trong những nguyên nhân gây lỗ trong năm 2018.