Dù sắp nhận được số tiền lớn, chị Hồng hàng ngày vẫn đẩy xe đi mua ve chai dưới cái nắng cháy da của Sài Gòn, chắt chiu từng đồng gửi về quê nuôi 2 con ăn học.
|
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, quê Quảng Ngãi, tạm trú TP HCM), người tìm thấy 5 triệu yen trong thùng loa cũ sắp có số tiền lớn, nhưng hàng ngày vẫn đi mua ve chai kiếm sống. |
|
Chị từ quê lên Sài Gòn năm 16 tuổi. Những ngày mới vào, người phụ nữ này làm nhiều việc như phụ bán quán nhậu, giúp việc nhà... Vài năm sau, chị Hồng thuê nhà trên đường Trần Văn Quang (quận Tân Bình) và bắt đầu công việc mua ve chai. Người phụ nữ quê Quảng Ngãi gắn liền với nghề ve chai 17 năm. Công việc diễn ra lặng lẽ cho đến khi vô tình mua được chiếc thùng loa cũ có chứa 5 triệu yen Nhật bên trong (cách đây hơn 1 năm). |
|
Khi nhặt được số tiền lớn, chị Hồng giao toàn bộ cho công an để tìm chủ sở hữu hợp pháp. Từ đó, cuộc sống của chị đảo lộn vì những người tò mò tới tìm hiểu và đến xin nhận lại tiền. "Nhiều ngày liên tục, có hàng chục người đến nhà trọ xin lại số tiền đánh mất, dù tôi nói đã bàn giao toàn bộ cho công an", chị Hồng tâm sự. |
|
Sau hơn một năm, nhiều người xuất hiện xin nhận tiền nhưng không có giấy tờ chứng minh, nên công an quyết định giao 5 triệu yen cho chị ve chai. Chị Hồng cho biết, nếu nhận được tiền sẽ trích một phần mua gạo tặng các trung tâm nuôi dưỡng người mù, tàn tật. Một phần chị gửi về cho 2 bên nội ngoại sửa lại nhà cửa vì sắp tới mùa bão lũ. |
|
Trong thời gian chờ đợi, chị vẫn đi khắp ngõ ngách Sài Gòn mua ve chai. Người phụ nữ quê Quảng Ngãi khẳng định dù có số tiền lớn vẫn tiếp tục gắn bó với nghề đã nuôi sống gia đình gần 20 năm nay. "Nhiều người bảo có số tiền lớn rồi sao vẫn làm việc nặng nhọc, tôi chỉ cười rồi tiếp tục đẩy xe", chị tâm sự. Dãi nắng dầm mưa hàng ngày nên chị trông già hơn tuổi. |
|
Người phụ nữ này lấy chồng năm 18 tuổi, có 2 con (1 trai, 1 gái), kinh tế khó khăn nên phải gửi con ở quê. Hai vợ chồng bám trụ lại Sài Gòn mưu sinh. Giữa trưa nắng nóng, chị đẩy chiếc xe chở đầy ve chai về cơ sở thu mua bán kiếm lời. |
|
Mỗi trưa, chị bán hết số ve chai mua được buổi sáng, rồi nghỉ ngơi 30 phút lại tiếp tục kéo xe ra đường. Nhưng những ngày này, 2 con vừa nghỉ hè vào Sài Gòn chơi nên chị tranh thủ làm sớm về nấu cơm. |
|
Chị tâm sự: "Lúc chỉ có hai vợ chồng thì tôi mua ít cá cơm về kho mặn để dành ăn vài ngày, nhưng mấy hôm nay có hai con vào nên phải nấu 'sang' hơn tí". |
|
Gọi là bữa ăn sang nhưng cũng chỉ 2 con cá và ít rau má nấu canh. |
|
Căn nhà 1 trệt, 1 lầu là nơi tá túc của chị và gần 10 người cùng làm nghề ve chai. Dù chật chội, nhưng mọi người cùng quê nên hiểu và cảm thông cho nhau. |
|
Khu bếp khá chật nên mọi người phải nhường nhau nấu ăn. Hôm nay chị Hồng được ưu tiên nấu trước để 2 con được ăn cơm sớm. |
|
Hai con của chị ve chai đứa lớn 15 tuổi, đứa nhỏ 10 tuổi nhưng đều ốm, đen. Ở quê, 2 chị em tự chăm sóc, chỉ bảo nhau học hành để cha mẹ yên tâm làm việc. |
|
Bữa cơm của ba mẹ con trên chiếc bàn kê ngay góc giường. Căn nhà chị ở là vựa ve chai, được chủ cho thuê với giá 50.000 đồng/người/tháng. Chị và chồng ngủ dưới tầng trệt cạnh nhà vệ sinh, các sinh hoạt rất bất tiện. Từ khi 2 con vào chơi, gia đình 4 người nằm chen nhau trên chiếc giường nhỏ, ve chai chất đầy xung quanh.Chị nói, sau khi nhận được 5 triệu yen, 4 người sẽ về quê chơi thăm hàng xóm và sửa sang lại nhà cửa. Sau đó, anh chị lại tiếp tục vào Sài Gòn hành nghề ve chai, gửi con cho bà ngoại trông nom. |
Theo Nguyễn Quang (Zing.vn)