Tối 21-4 (giờ địa phương), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đến Sydney (Úc), chặng thứ tư và là chặng cuối cùng trong chuyến công du 10 ngày đến châu Á-Thái Bình Dương. Trước đó ông đã dừng chân tại Hàn Quốc, Nhật và Indonesia.
Pence phát tín hiệu bảo đảm cam kết
Tân Hoa xã nhận định thương mại và an ninh là các vấn đề chủ chốt trong chuyến công du của Phó Tổng thống Mike Pence. Ông là quan chức cấp cao thứ ba thăm châu Á từ khi Tổng thống Donald Trump cầm quyền cách đây ba tháng, sau hai chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Chuyên gia Michael Auslin ở Viện Doanh nghiệp Mỹ đánh giá chuyến công du lần này của ông Mike Pence phần nào mang tính chất như chuyến đi “giải độc ngoại giao”.
Tại Nhật, sau hội đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm 18-4, ông Mike Pence nhấn mạnh Mỹ tiếp tục xem quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật là nền tảng hòa bình và an ninh ở khu vực Đông Bắc Á.
Hai ngày sau, tại Indonesia, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống “Jokowi” Widodo, ông Mike Pence tiếp tục khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các quyền tự do cơ bản về hàng hải, hàng không ở biển Đông và trên toàn châu Á-Thái Bình Dương.
Ông thông báo Tổng thống Trump sẽ tham dự hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao Đông Á tại Philippines cũng như hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam vào tháng 11-2017. Ông cho biết các vấn đề an ninh, thương mại và tự do hàng hải ở biển Đông sẽ được đưa ra thảo luận.
Chuyến công du châu Á của ông Mike Pence cũng đánh dấu 50 năm hình thành và phát triển khối ASEAN cũng như 40 năm quan hệ ASEAN-Mỹ.
Tại Jakarta hôm 20-4, ông tuyên bố: “Đây là minh chứng giá trị mà Tổng thống Trump đã đặt để vào quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và ASEAN cũng như châu Á-Thái Bình Dương nói chung”.
Ông nhấn mạnh: “Tôi hy vọng đây sẽ là tín hiệu cho cam kết vững chắc và không gì lay chuyển của chúng tôi được xây dựng trên nền tảng vững chắc mà chúng ta đã cùng nhau chia sẻ”.
Tại Úc ngày 22-4, ông Mike Pence tiếp tục trấn an Thủ tướng Malcolm Turnbull về quan hệ đồng minh Mỹ-Úc và bày tỏ thái độ ưu tiên của Mỹ đối với vành đai Thái Bình Dương.
Đông Nam Á lo ngại mối đe dọa Bắc Triều Tiên tác động xấu đến biển Đông. Biếm họa của EMAD HAJJAJ (Jordan)
“Nặng Triều Tiên, nhẹ biển Đông” sẽ phải trả giá
Hãng tin AP ghi nhận các nước Đông Nam Á luôn chờ đợi cam kết của Mỹ để ngăn chặn ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Sau khi Tổng thống Trump lên cầm quyền, các nước quan sát Mỹ với thái độ hoài nghi bởi chính quyền mới ở Mỹ đã tỏ thái độ chểnh mảng đối với trục xoay châu Á vốn là mục tiêu ưu tiên dưới thời Tổng thống Obama.
Ngoài ra, các nước Đông Nam Á cũng lo ngại mối đe dọa Bắc Triều Tiên sẽ tác động xấu đến vấn đề tranh chấp biển Đông.
Nếu so sánh sẽ thấy lần cuối cùng ông Trump viết trên Twitter về biển Đông là tháng 12 năm ngoái sau khi tàu hải quân Trung Quốc thu giữ tàu lặn không người lái của Mỹ. Trong khi đó, mới ngày 21-4 vừa qua, ông Trump đã viết trên Twitter kêu gọi Trung Quốc dốc sức giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Dù vậy, AP nhận định chuyến công du châu Á lần này của Phó Tổng thống Mike Pence là dấu hiệu thay đổi cho thấy mối quan tâm của ông Trump đến châu Á đã vượt trên vấn đề Triều Tiên và tình trạng mất cân bằng thương mại Mỹ-Trung.
Chuyên gia Harry Kazianis ở Trung tâm Vì lợi ích quốc gia (Mỹ) cho rằng chính phủ Mỹ cần hết sức thận trọng bởi lẽ Mỹ có thể sẽ phải trả giá rất cao khi cầu cạnh Trung Quốc giải quyết vấn đề Triều Tiên, từ đó sẽ gây thiệt hại cho quan hệ đối tác toàn châu Á bởi các nước sẽ cảm thấy bị bỏ rơi. Chuyên gia này nhận xét: “Chính phủ Trump cần phải cân bằng mọi vấn đề chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương một cách thận trọng”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định dù Mỹ rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Mỹ vẫn đang tiếp tục tăng cường thương mại với khối ASEAN.
Phát biểu với báo giới hôm 20-4, ông Patrick Murphy, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Nam Á, ghi nhận hằng năm các nước ASEAN đã mua hơn 100 tỉ USD hàng xuất khẩu Mỹ và khối lượng thương mại này đã giúp cho hơn nửa triệu việc làm ở Mỹ. Ông khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục các chiến dịch tự do hàng hải ở biển Đông.
Phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12-7-2016 là cơ sở giải quyết tranh chấp biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Trong tuyên bố chung mới công bố, hội nghị thường niên ngoại trưởng các nước G7 tại Lucca (Ý) trong hai ngày 10 và 11-4 đã nhấn mạnh như trên. Các ngoại trưởng G7 bày tỏ lo ngại về tình hình biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời tiếp tục khẳng định G7 phản đối mạnh mẽ việc quân sự hóa các khu vực tranh chấp. Các ngoại trưởng tuyên bố các nước tranh chấp phải tránh hành động đơn phương gia tăng căng thẳng như dọa nạt hay sử dụng vũ lực, bồi đắp xây dựng trên quy mô lớn, xây tiền đồn nhằm mục đích quân sự. Hội nghị G7 kêu gọi thiết lập một bộ quy tắc ứng xử về biển Đông có giá trị ràng buộc về pháp lý. |