Chuyên gia nói gì về ga ngầm C9 đặt tại Hồ Gươm?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội KTS Hà Nội, cho biết: Nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị, kiến trúc của Nhật Bản mà ông từng làm việc, trao đổi đã đề nghị Hà Nội xem lại vị trí đặt ga ngầm C9 (nằm trong dự án tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2 của TP Hà Nội) vì có thể gây tác động xấu đến không gian, ảnh hưởng đến các di tích tại khu vực Hồ Gươm, đặc biệt gây áp lực giao thông lên khu vực này.

TP Hà Nội: C9 không ảnh hưởng Hồ Gươm

Hồi tháng 10-2018, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch ga ngầm C9 do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký khẳng định vị trí đặt và biện pháp thi công ga ngầm này không xâm phạm vào các di tích tại Hồ Gươm.

Cụ thể, văn bản này cho hay ga ngầm C9 có tuyến hầm một phần nằm trong khu vực bảo vệ hai nhưng hoàn toàn nằm ngoài và không xâm phạm khu vực bảo vệ một - là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn. Tuyến hầm đi qua bên dưới gian trước của đền Bà Kiệu, cách gò đá chân Tháp Bút 1 m nhưng là đi ngầm, đỉnh hầm cách mặt đất 12,3 m, đáy hầm cách mặt đất 18,8 m. Hoàn toàn không xâm phạm vùng bảo vệ một, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, bảo tồn văn hiến thủ đô.

Bên cạnh đó, phương pháp thi công ga ngầm và tuyến hầm là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, đảm bảo bảo toàn vật thể, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn. “Việc xây dựng ga ngầm C9 và tuyến hầm tại khu vực không phải là phá hỏng cảnh quan môi trường khu di tích, không phải là đánh đổi Hồ Gươm lấy phát triển hệ thống giao thông công cộng” - văn bản nêu.

Mô hình 3D ga C9, tuyến ĐSĐT số 2 của Hà Nội tại Hồ Gươm. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Chuyên gia cảnh báo có nguy hại

Theo quan điểm cá nhân, KTS Trần Huy Ánh nêu ra nhiều nguyên do để chứng minh vị trí đặt ga C9 có thể gây nguy hại đến Hồ Gươm. Thứ nhất, vị trí đặt ga ngầm C9 sát với di tích, thắng cảnh tại Hồ Gườm nên nó vi phạm nguyên tắc bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt, cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Thứ hai, có thể gây tắc nghẽn, rối loạn giao thông do ĐSĐT là loại hình vận tải hành khách công cộng có khối lượng vận chuyển lớn, tốc độ nhanh vì vậy có thể gia tăng áp lực giao thông vào khu vực Hồ Gươm nơi vốn có mật độ giao thông cao.

“Đặc biệt, từ năm 2016, Hà Nội đã tổ chức phố đi bộ cuối tuần, ưu tiên cho các hoạt động nghỉ ngơi, thư giãn… đã được nhân dân trong nước và quốc tế đánh giá cao sáng kiến này. Nếu đặt ga C9 vào sẽ phá hủy kết quả tốt đẹp đó ngay lập tức và mãi mãi” - KTS Ánh đánh giá.

KTS Ánh đánh giá việc đặt ga C9 vào sát Hồ Gươm, các tuyến ngầm phải chui qua phố cổ và phố cũ, dài 8,5 km tiềm ẩn rủi ro lớn khiến giá thành thi công của tuyến đường sắt đắt đỏ hơn gấp ba lần. Đặc biệt, việc thiết kế dự án, cũng như đặt ga C9 tại vị trí trên trong khi chỉ gây thêm áp lực hạ tầng vào khu vực lõi của Hà Nội nhưng lại không tạo ra giá trị gia tăng tài chính và hạ tầng đô thị.

“Nhiều nước đầu tư ĐSĐT đều đặt mục tiêu đầu tư hàng tỉ USD cho mỗi tuyến thì phải đem lại lợi ích hàng chục, hàng trăm tỉ từ các giá trị gia tăng bất động sản hay các tiện ích do tuyến ĐSĐT đó tạo ra. Cách tiếp cận đó có tên gọi là TOD (Transit Oriented Development). Nếu đặt ga C9 vào Hồ Gươm thì không tạo ra lợi ích từ TOD vì nó đi qua các khu vực có yêu cầu bảo tồn nguyên trạng” - KTS Ánh phân tích

KTS Ánh còn cho rằng đặt ga C9 vào Hồ Gươm còn có tác nhân nguy hại khác, đó là sức hút gia tăng các công trình thương mại cao tầng vào khu vực này sẽ phá nát không gian cảnh quan kiến trúc lịch sử văn hóa Hồ Gươm, phố cổ, phố cũ.

Một số chuyên gia về địa chất cũng cho hay khu vực Hồ Gươm có nền móng địa chất yếu nhưng Hà Nội chưa tham vấn cơ quan chuyên ngành về địa chất để có đánh giá tác động khi làm dự án. Đặc biệt lòng Hồ Gươm đều có liên thông thủy lực đối với các dòng chảy cổ quanh khu vực hồ. Vì vậy nếu đặt ga ngầm C9 tại vị trí hiện tại có thể tác động đến sự liên thông thủy lực, gây hạ mực nước hồ. Quá trình thi công có thể gây các rung động tác động xấu đến các công trình xung quanh…

Tuyến đường sắt đô thị số 2 và ga ngầm C9

Theo Ban quản lý ĐSĐT Hà Nội, tuyến ĐSĐT số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là dự án trọng điểm quốc gia, sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. Dự án được Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tháng 11-2008. Với chiều dài 11,5 km, trong đó có 2,6 km đi trên cao (ga C1-C3) và 8,9 km đi ngầm (ga C4-C10), lộ trình điểm đầu tại khu đô thị Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, điểm cuối là phố Huế.

Riêng ga C9 được đề xuất đặt tại vị trí Km 9+864,645 trong khu vực khuôn viên công viên bờ Hồ Gươm. Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ Hồ Gươm có kích thước dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m.

Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm khoảng 10 m, tới tượng đài tưởng niệm Cảm tử quân khoảng 81 m, tới đền Bà Kiệu khoảng 83 m, tới Tháp Bút khoảng 36 m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ khoảng 120 m.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm