Chuyên gia về bệnh hô hấp hàng đầu của Trung Quốc - ông Chung Nam Sơn nói rằng đại dịch COVID-19 có thể được kiểm soát vào cuối tháng 4, song ông không chắc liệu có bùng phát thêm một đợt dịch mới vào mùa xuân tới hay không, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Chuyên gia về bệnh hô hấp hàng đầu của Trung Quốc - ông Chung Nam Sơn. Ảnh: SCMP
“Với việc mọi quốc gia thực hiện các biện pháp quyết liệt và hiệu quả, tôi tin rằng đại dịch có thể nằm trong tầm kiểm soát. Tôi đoán vào khoảng cuối tháng 4”, ông Chung - người dẫn đầu một nhóm chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc làm cố vấn cho chính phủ về kiểm soát dịch COVID-19 trả lời phỏng vấn đài truyền hình Thâm Quyến hôm 1-4.
“Sau cuối tháng 4, không ai có thể nói chắc được liệu có thêm một đợt bùng phát dịch nữa vào mùa xuân tới hay không hay dịch sẽ biến mất khi thời tiết ấm hơn… mặc dù hoạt động của virus chắc chắn sẽ giảm trong môi trường nhiệt độ cao hơn” - ông Chung nói.
Ông Chung không nói ông dựa vào đâu để đưa ra dự đoán này nhưng các chuyên gia khác cũng đưa ra khung thời gian tương tự như vậy dựa vào những diễn biến mới nhất về tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ và châu Âu - những nơi là tâm điểm của đại dịch COVID-19 hiện nay.
Ông Mike Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần này cũng nói rằng có dấu hiệu cho thấy dịch tại châu Âu đang trở nên ổn định khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng hồi tháng trước bắt đầu gặt hái kết quả.
Ở Mỹ, Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe tại ĐH Washington cho hay các bệnh viện tại Mỹ có thể đối mặt với đỉnh điểm bệnh nhân COVID-19 vào khoảng ngày 20-4.
Một nhân viên y tế đưa một bệnh nhân tới cấp cứu tại bệnh viện 12 de Octubre ở Madrid (Tây Ban Nha). Ảnh: REUTERS
Ông Chung nói rằng chính phủ các nước trên thế giới phải làm việc cùng nhau để chống đại dịch này.
“Các quốc gia, trong đó có Mỹ đã thông qua các biện pháp quyết liệt và hiệu quả… và biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất là yêu cầu mọi người ở nhà” - chuyên gia Trung Quốc nói.
Một nghiên cứu của Trường ĐH Hoàng gia London (Anh) công bố trong tuần này ước tính rằng 11 quốc gia châu Âu đã ban hành biện pháp giữ khoảng cách xã hội đã giúp giảm sự lây lan virus và ngăn chặn tới 59.000 người tử vong.
Ngoài ra, ông Chung cũng nói về những ảnh hưởng lâu dài tiềm năng nếu bị nhiễm COVID-19.
Tháng trước, một nghiên cứu của Cục quản lý bệnh viện Hong Kong chỉ ra rằng một số người nhiễm COVID-19 đã hồi phục bị suy giảm chức năng phổi từ 20-30% và gặp phải các vấn đề như khó thở khi đi nhanh.
Tuy nhiên, ông Chung nói rằng dựa vào quan sát của ông trên các bệnh nhân nhiễm COVID-19 và những người đã hồi phục từ các bệnh tương tự như SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng), tổn thương phổi - chủ yếu là xơ phổi - không có xu hướng kéo dài và hầu hết mọi người hoàn toàn khỏe mạnh trở lại trong vòng sáu đến 12 tháng.
Tính đến nay, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 1 triệu, trong đó hơn 53.000 người đã tử vong. Châu Âu hiện vẫn là tâm điểm của dịch bệnh với hơn 500.000 ca nhiễm và gần 38.000 ca tử vong.