Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.HCM khuyến cáo người dân cảnh giác với tội phạm sử dụng thiết bị viễn thông công nghệ cao gửi tin nhắn SMS hàng loạt đến số điện thoại người dân giả mạo các tổ chức ngân hàng, tài chính.
Nội dung tin nhắn giả mạo dẫn dụ người dân nhấn vào đường link mà ông C nhận được. Ảnh: TS
Ông TMC, ngụ quận Bình Thạnh cho biết tháng 11 vừa qua ông nhận được tin nhắn SMS điện thoại nhắn với nội dung: “Tài khoản đã mở dịch vụ tài chính toàn cầu, phí dịch vụ hàng tháng là 2.800.000 đồng sẽ bị trừ trong 2 giờ. Nếu không phải bạn mở dịch vụ vui lòng nhấn vào ACB.VN-YPAY.TOP để huỷ”.
Khi ông C nhấp vào đường link và làm theo hướng dẫn thì được yêu cầu nhập một loạt các thông tin cá nhân, mã OTP… Tuy nhiên, ông C sau đó đã lên chi nhánh ngân hàng ACB để hỏi trực tiếp các nhân viên và được thông báo đó là tin nhắn giả mạo, nếu khách hàng làm theo hướng dẫn thì sẽ bị kẻ gian đánh cắp tiền trong tài khoản.
Tương tự, ông NTS, ngụ TP Thủ Đức cho biết vào cuối tháng 10 và đầu tháng 12 vừa qua cũng nhận được tin nhắn thể hiện ngân hàng Sacombank gửi đến để dẫn dụ nhấp vào đường link.
Nội dung tin nhắn ông S nhận thể hiện: “Chúng tôi phát hiện tài khoản của bạn đang tiêu dùng ở nước ngoài, nếu không phải bạn đang giao dịch vui lòng nhập https://sacombank.e-ipay.info để huỷ giao dịch” và “Tài khoản đã mở dịch vụ tài chính toàn cầu, phí dịch vụ hàng tháng là 2.800.000 đồng sẽ bị trừ trong 2 giờ. Nếu không phải bạn mở dịch vụ vui lòng nhấn vào sacombank.com-bank.xyz để huỷ”.
Ông S nhận được tin nhắn giả mạo ngân hàng nhắn để dẫn dụ nhấn vào đường link. Ảnh: TS
Theo Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử công nghệ cao Công an TP.HCM, loại tội phạm này thường sử dụng thiết bị viễn thông công nghệ cao - gửi tin nhắn SMS hàng loạt đến số điện thoại người dân giả mạo các tổ chức ngân hàng, tài chính như Sacombank, ACB, BIDV, TPBank, MOMO...
Nội dung tin nhắn mang tính chất "dẫn dụ", thông báo tài khoản ngân hàng của người dân đang gặp vấn đề như: Giao dịch bất thường, đã bị mất tiền hoặc bị thay đổi mật khẩu đăng nhập. Nội dung tin nhắn sẽ kèm đường link liên kết đến website có giao diện tương đồng với website thật của các ngân hàng, tổ chức tài chính làm cho người dân tin tưởng.
Khi người dân tin tưởng, cho rằng các website trên là thật sẽ tự cung cấp thông tin đăng nhập (User ID, Password, số điện thoại, mã OTP) - dữ liệu này khi nhập sẽ lập tức được truyền về máy chủ của kẻ gian. Sau đó kẻ gian sẽ chiếm được quyền sử dụng tài khoản ngân hàng trực tuyến và thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử công nghệ cao Công an TP.HCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không nhấp vào liên kết trong tin nhắn; tuyệt đối không cung cấp thông tin đăng nhập, mã OTP xác thực cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi được yêu cầu bên ngoài giao diện ứng dụng, website chính thức của các ngân hàng.
Trường hợp người dân để lộ thông tin đăng nhập hoặc bị chiếm đoạt tài sản thì cần liên hệ ngay với ngân hàng mở tài khoản thông qua Hotline chính thức để đề nghị tạm khóa tài khoản và thực hiện các biện pháp đổi mật khẩu nhằm bảo vệ tài khoản. Đồng thời người dân cần nhanh chóng đến cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.