Tính đến 19 giờ 30 ngày 5-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận toàn thế giới có 3.308 người tử vong vì dịch COVID-19, 96.739 ca nhiễm. Như vậy, so với cùng giờ ngày 4-3, số ca tử vong tăng 89 người, số ca nhiễm tăng 2.531 người.
Đến nay đã có 295 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ TQ đại lục, gồm 107 ca ở Iran, 107 ca ở Ý, Hàn Quốc 40 ca, Nhật 12 ca (tính cả du thuyền Diamond Princess), 11 ca ở Mỹ, bốn ca ở Pháp, ba ca ở Tây Ban Nha, hai ca ở Iraq, hai ca ở đặc khu Hong Kong, hai ca ở Úc, một ca ở Philippines, một ca ở Thái Lan, một ca ở Đài Loan, một ca ở Thụy Sĩ và một ca ở San Marino.
Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết có 53.953 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với virus COVID-19, tăng 8.766 người so với ngày 4-3.
Trong họp báo ngày 4-3 ở Bắc Kinh, các bác sĩ (BS) làm việc ở tuyến đầu chống dịch ở tâm dịch Vũ Hán đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm với hy vọng có thể giúp đảm bảo tính mạng cho các đồng nghiệp ở phần còn lại của thế giới, Hoàn Cầu Thời Báo cho hay. Tính đến ngày 5-3, ít nhất 13 y BS TQ đã tử vong vì lây nhiễm virus trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
Chú trọng đào tạo lực lượng y tế
Theo South China Morning Post, đến nay đã có hơn 30.000 nhân viên y tế, gồm cả lực lượng quân y được huy động từ khắp TQ để tới hỗ trợ Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc trong công tác phòng, chống dịch. Dù vậy, các y BS ở đây vẫn chịu sức ép rất lớn do số lượng bệnh nhân nhiễm virus quá đông.
Đơn cử, nhân viên y tế tại Vũ Hán phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khẩu trang và đồ bảo hộ. Một số người thậm chí phải mặc đồ bảo hộ nhiều lần hoặc đồ không bảo đảm an toàn và tiếp tục làm việc ngay cả khi đã xuất hiện các triệu chứng bất thường về hô hấp.
Một nhóm bác sĩ thăm khám bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Vũ Hán. (Ảnh chụp ngày 25-2) Ảnh: SCMP
Chủ tịch BV Số 3 ĐH Bắc Kinh Qiao Jie cho biết vấn đề trọng yếu là phải tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế để họ biết cách tự bảo vệ bản thân khỏi lây nhiễm virus. “Phần lớn nhân viên đều thiếu kinh nghiệm trong việc điều trị các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm kết hợp với viêm phổi và các điều kiện phức tạp khác. Chúng ta cần tập huấn cho lực lượng này để ứng phó với COVID-19 từ tình trạng nhẹ cho tới nghiêm trọng và bảo vệ chính bản thân họ tốt hơn. Thậm chí việc mặc hay cởi đồ bảo hộ cũng cần phải được đào tạo” - BS Qiao nhấn mạnh.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác để đẩy mạnh công tác chống dịch là phải huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội càng tốt. “Không chỉ các BS và y tá, mà còn những người làm công tác xã hội, hậu cần và xây dựng, để giúp xây dựng các cơ sở y tế đặc biệt, đồng thời duy trì hoạt động của các bệnh viện trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát” - BS Qiao Jie chia sẻ.
291 triệu học sinh ở 13 quốc gia đã nghỉ học tạm thời do tác động của dịch COVID-19, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ngày 5-3 cho biết. Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cảnh báo nếu tiếp tục gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến quyền đi học của trẻ em. |
Lên kế hoạch hành động
“Để ngăn chặn lây nhiễm dịch trong các bệnh viện, chìa khóa nằm ở việc lên kế hoạch cẩn trọng và đầy đủ” - Giám đốc bộ phận chăm sóc đặc biệt tại BV ĐH Y Liên minh Bắc Kinh Du Bin lưu ý.
Theo chuyên gia này, cơ quan chức năng cần phải lên kế hoạch chi tiết đến từng bệnh nhân nhiễm virus hoặc nghi ngờ nhiễm. Kế hoạch cũng phải bao gồm cả người cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở y tế. Ngoài ra, nhà chức trách cũng nhanh nhạy xác định, chẩn đoán sớm các trường hợp có nguy cơ cao và tiến hành cách ly trước khi lây lan ra cộng đồng.
BS Du cũng cho rằng cần phải lên cả kế hoạch cho việc xử lý dịch bệnh, các bệnh nhân nhiễm virus và các cá nhân đã tiếp xúc gần gũi với những người này. Cơ sở cách ly phải được duy trì ở tình trạng hoạt động tốt nhất, kết hợp với công tác giám sát, kiểm tra và theo dõi các trường hợp nghi mang mầm bệnh.
“Các nhân viên y tế không nên một mình gánh trách nhiệm. Thay vào đó, các cơ quan chính phủ, gồm cơ quan y tế, cảnh sát và giao thông vận tải, cũng cần chia sẻ gánh nặng với các y BS trong công tác chống dịch. Họ phải phối hợp cùng nhau. Đó là cách duy nhất để kiểm soát dịch bệnh, không chỉ ở TQ mà trên toàn thế giới” - ông Du nhấn mạnh.
Trong khi đó, Phó Giám đốc BV Hữu nghị TQ - Nhật Bản Cao Bin khẳng định các BS TQ đã có đóng góp quan trọng vào cuộc chiến chống dịch toàn cầu qua việc tiến hành thử nghiệm vaccine lâm sàng. Ông Cao Bin cũng cho biết hai cuộc thử nghiệm thuốc kháng virus Remdesivir đã diễn ra suôn sẻ và các dữ liệu sẽ được chia sẻ với cộng đồng quốc tế ngay sau khi các cuộc thử nghiệm hoàn tất, dự kiến vào cuối tháng 4-2020.
Theo BS Li Haichao - lãnh đạo BV Số 5 ĐH Bắc Kinh, việc xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin đã phát huy hiệu quả trong việc điều trị các bệnh nhân bị nhiễm bệnh nghiêm trọng hoặc nguy kịch. “Chúng ta phải thiết lập các nhóm chuyên môn khác nhau để ứng phó với các tình huống khác nhau. Đây là dịch bệnh mới và chúng ta phải thiết lập cơ chế liên kết nhiều nhóm chuyên môn để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm từ các đồng nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau. Điều này rất hữu ích với chúng ta” - ông Li nhận định.
Phát hiện ca tử vong sau năm ngày xuất viện Tờ South China Morning Post ngày 5-3 đưa tin một bệnh nhân nam ở TQ tên Li Liang vừa tử vong do virus COVID-19 dù trước đó đã chữa khỏi các triệu chứng và xuất viện. Cụ thể, vợ của nạn nhân cho biết ông nhập viện hôm 12-2 tại một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. Ông Li được xuất viện sau hai tuần điều trị và được hướng dẫn tiếp tục cách ly tại một khách sạn trong vòng 14 ngày. Tuy nhiên, ông Li Liang sau đó cảm thấy bất ổn chỉ khoảng hai ngày sau khi xuất viện với cảm giác khô miệng, chướng bụng. Đến ngày 2-3, ông Li nói ông thấy mệt nên lại được đưa vào một bệnh viện và tử vong chiều cùng ngày. Giấy chứng tử của Ủy ban Y tế Vũ Hán cho biết nguyên nhân trực tiếp khiến bệnh nhân tử vong là COVID-19 với triệu chứng suy hô hấp. |