Ngày 26-3, diễn tiến dịch COVID-19 ở Đông Nam Á tiếp tục u ám với số người nhiễm, người chết liên tục tăng. Nhiều bác sĩ, y tá nhiễm và chết khi đang ở tuyến đầu chống dịch.
Malaysia đang đứng đầu Đông Nam Á về số ca nhiễm là 2.301 với 23 người chết. Số ca nhiễm ở Malaysia đã tăng gấp đôi chỉ sau một tuần.
Ngày 26-3, vua Abdullah Ri’ayatuddin và hoàng hậu Azizah Maimunah Iskandariah cách ly sau khi 7 nhân viên phục vụ trong Hoàng gia nhiễm.
Nhân viên y tế tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Kuala Lumpur (Malaysia). Ảnh: REUTERS
Thái Lan trở thành nước có dịch xấu nghiêm trọng thứ hai Đông Nam Á với 1.045 người nhiễm, 4 người chết.
Từ ngày 26-3 đến 30-4, Thái Lan được đặt vào tình trạng khẩn cấp theo tuyên bố của Thủ tướng Prayut-o-cha ngày 25-3. Theo ông, Thái Lan đang ở thời điểm bước ngoặt trong cuộc chiến chống COVID-19.
Theo sắc lệnh khẩn cấp, Thái Lan cấm người nước ngoài nhập cảnh. Quân đội sẽ lập nhiều chốt kiểm soát COVID-19.
Sắc lệnh cũng cho phép chính phủ có quyền áp lệnh giới nghiêm 24 giờ để chống dịch nhưng hiện tại thì chưa. Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam nói chính phủ sẽ làm điều này nếu cần thiết. Theo ông, lệnh giới nghiêm sẽ áp dụng cho tất cả người dân, trừ các trường hợp đi chữa trị y tế, đi đến tòa án, phóng viên đi đưa tin.
Kiểm tra nhiệt độ một tài xế taxi ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 26-3. Ảnh: BANGKOK POST
Indonesia đứng thứ ba Đông Nam Á về số người nhiễm (790) nhưng lại đứng đầu về số người chết (58). Thủ đô Jakarta chiếm phần lớn số người chết (40) và số ca nhiễm (500).
Ngày 26-3, chính quyền TP du lịch Bali lệnh người dân ở yên trong nhà. Trên đường phố chỉ còn xe cấp cứu chạy.
Đường phố Bali vắng vẻ ngày 26-3. Ảnh: JAKARTA POST
Báo Jakarta Post cho biết Tổng thống Joko Widodo cho biết chính phủ của ông và các nhà lập pháp đang bàn khả năng nâng mức thâm hụt ngân sách cho phép lên, để có thể vay thêm tiền từ nước ngoài chi cho các biện pháp chống COVID-19. Kết quả dự kiến sẽ có sau vài ngày nữa.
Một người đàn ông tự khử khuẩn mình tại một phòng khử khuẩn ở thủ đô Jakarta (Indonesia) do một tổ chức từ thiện dựng lên. Ảnh: JAKARTA POST
Nước có dịch nghiêm trọng thứ tư Đông Nam Á là Philippines với 636 người nhiễm và tới 38 người chết.
Philippines có 636 người nhiễm và 38 người chết, trong đó có tới 9 bác sĩ, tính tới ngày 26-3. Hàng chục bác sĩ, y tá nhiễm. Hàng trăm nhân viên y tế không thể tham gia chữa trị nữa vì đang phải cách ly do nghi nhiễm. Tình trạng quá tải và thiếu thiết bị bảo hộ y tế ở các bệnh viện đang hết sức nghiêm trọng.
Kêu gọi bảo vệ nhân viên y tế đang chiến đấu với COVID-19 trước một bệnh viện công tại Manila (Philippines) Ảnh: BANGKOK POST
Singapore đang có 631 người nhiễm với 2 người chết.
Trước Quốc hội chiều 26-3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat trình bày ngân sách phục hồi trị giá tới 48 tỉ đô Singapore giúp người dân nước này vượt qua khủng hoảng đại dịch COVID-19.
Đây là gói giải cứu thứ hai của chính phủ Singapore với dân trong mùa dịch COVID-19. Ngày 18-2, Phó Thủ tướng Heng Swee Keat đã thông báo gói giải cứu trị giá 4 tỉ đô Singapore để ổn định kinh tế.
Gói giải cứu thứ hai 48 tỉ đô chủ yếu được dùng hỗ trợ người lao động trong các doanh nghiệp, người lao động tự do, người thất nghiệp, lao động thu nhập thấp, mang lại cơ hội việc làm và huấn luyện nâng cao khả năng tìm việc trong giai đoạn dịch bệnh.
Singapore vừa công bố gói giải cứu thứ hai trị giá 48 tỉ đô Singapore giúp người dân vượt qua dịch COVID-19. Ảnh: ST
Theo chính sách hỗ trợ việc làm, chính phủ sẽ chi 15,1 tỉ đô để hỗ trợ 1,9 triệu việc làm. Chính sách này được ông Keat giới thiệu hồi tháng 2 nhưng giờ sẽ được chi nhiều tiền hơn. Chính phủ sẽ choàng 25% tháng lương trung bình (4.600 đô), phụ các doanh nghiệp (mức thông báo hồi tháng 2 là choàng 8%).
Các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng hơn được hỗ trợ nhiều hơn. Như ngành hàng không và du lịch được choàng 75%, ngành dịch vụ ăn uống được choàng 50%. Chính sách này kéo dài đến cuối năm nay.
Những người mất việc làm vì COVID-19 sẽ được hỗ trợ 800 đô/tháng trong ba tháng, trong thời gian họ tìm việc mới.
Lao động tự do có nộp thuế sẽ được nhận 1.000 đô/tháng, trong vòng chín tháng. Chính phủ sẽ dành 1,2 tỉ đô trong gói giải cứu cho chính sách này. Lao động thu nhập thấp sẽ được hỗ trợ 3.000 đô tiền mặt.
145 triệu đô sẽ được chi giúp người thất nghiệp, gồm hỗ trợ tạm thời các gia đình đang cần giúp đỡ khẩn cấp.
Tất cả người trưởng thành ở Singapore (từ 21 tuổi trở lên) đều sẽ được nhận 300-600-900 đô/tháng, tùy thu nhập hiện tại. Các gia đình có ít nhất một con từ 20 tuổi trở xuống sẽ được nhận thêm 300 đô/tháng.
Mỗi gia đình thu nhập thấp sẽ được nhận thêm một phiếu mua hàng trị giá 300 đô/năm, áp dụng với năm nay và năm sau.
Chính phủ cũng dành 48 triệu đô hỗ trợ đào tạo việc làm đến cuối năm. Sẽ có 10.000 việc làm mới được tạo ra trong năm tới.
Người dân Singapore sẽ nhận hỗ trợ với nhiều hình thức từ chính phủ để giảm nhẹ khó khăn từ dịch COVID-19. Ảnh: ST
Mọi hình thức tăng phí trong các dịch vụ chính phủ đều bị cấm trong một năm, từ ngày 1-4 năm nay đến ngày 31-3-2021. Mọi khoản vay và lãi suất đều bị ngưng từ ngày 1-6 năm nay đến ngày 31-5-2021, áp dụng cho cả các khoản vay của sinh viên.
Tài xế taxi, tài xế xe hợp đồng tiếp tục được hỗ trợ 300 đô Singapore/xe/tháng cho đến cuối tháng 9. Chủ xe buýt được hoàn lại một năm thuế và sáu tháng miễn phí đỗ xe ở các bãi xe chính phủ.
Việt Nam đang có 148 ca nhiễm. Brunei có 109 ca nhiễm. Campuchia có 96 ca nhiễm. Lào và Myanmar mỗi nước có 3 ca nhiễm.