Đài CNN ngày 20-3 dẫn lời phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết cứ mỗi 10 phút lại có một trường hợp tử vong vì COVID-19 ở Iran và cứ mỗi giờ lại có thêm 50 ca nhiễm mới được ghi nhận.
Thông tin này được công bố trong bối cảnh giới chức Tehran cùng ngày tuyên bố ghi nhận thêm 149 người tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch lên 1.284. Con số 149 ca tử vong cũng là mức tăng kỷ lục số người chết trong một ngày tại Iran kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này hồi tháng trước.
Theo phân tích của tờ The Washington Post, có rất nhiều nguyên do để lý giải vì sao Iran lại phải đối mặt với mức tăng chóng mặt các ca tử vong vì COVID-19 gần đây, song nguyên nhân chủ yếu vẫn nằm ở thái độ chủ quan của Tehran trong công tác phòng dịch cộng với việc COVID-19 bùng phát đúng vào thời điểm khó khăn nhất của nước này.
Chủ quan trong công tác chống dịch
The Washington Post cho biết các trường hợp nhiễm virus đầu tiên được ghi nhận tại TP Qom, nơi sinh sống của 1,2 triệu người vào ngày 19-2. Tuy nhiên, Iran cho đến hơn hai tuần sau đó vẫn nhất quyết không phong tỏa thành phố này. Về phía người dân, thay vì tránh đến Qom, nhiều tín đồ Hồi giáo vẫn tiếp tục tới đây để hôn cổng và cột trong đền thờ với niềm tin rằng địa điểm linh thiêng này sẽ chữa khỏi bệnh cho họ.
“Một số người sùng đạo ở những vùng khác cho rằng đây là thời điểm cần thể hiện lòng trung thành với Hồi giáo và Qom bằng cách tề tựu về đây trong giai đoạn khó khăn” - cựu phó tổng thống Iran Mohammad-Ali Abtahi chia sẻ.
Bên cạnh đó, các phản ứng quá chậm trễ cùng số ca tử vong tăng đột biến trong tuần qua làm dấy lên nghi ngờ rằng các quan chức Iran có thể đã che giấu dịch và mức độ nghiêm trọng của dịch trong thời gian qua cho đến khi không thể che giấu được nữa.
Cụ thể, tình hình dịch ở Iran bất thường so với các nơi khác. Dựa trên số liệu chính thức, hiện tỉ lệ tử vong ở Iran vào loại cao nhất thế giới bên cạnh Ý, gây nghi ngờ rằng số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn thống kê. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng dựa vào số người tử vong và xu hướng dịch tại các nơi khác, có thể suy đoán số ca tử vong thực tế ở Iran phải vào khoảng 4.000.
Iran hồi ngày 18-3 từng thông báo tạm thả 54.000 tù nhân không có triệu chứng nhiễm COVID-19 với hy vọng giảm thiểu lây lan ở các trại giam đông đúc. Nhưng không rõ bao nhiêu tù nhân đã được xét nghiệm, do tình trạng thiếu dụng cụ xét nghiệm nghiêm trọng ở nước này. Vì sự thiếu hụt đó, không ai có thể đoán được COVID-19 đã lan rộng đến mức nào.
Nhân viên y tế khử trùng khu vực phía Tây thủ đô Tehran, Iran ngày 13-3. Ảnh: REUTERS
Người dân bình thường cũng không tin vào số liệu của chính phủ. “Dịch đã lan khắp nước. Rõ ràng là chính quyền che giấu sự thật để phục vụ cho kế hoạch của riêng mình. Chính quyền lại một lần nữa nói dối chúng tôi”, bà Fariba, 34 tuổi, giáo viên trung học ở TP Tabriz cho biết.
Trong khi đó, một y tá ở một thành phố vùng Tây Bắc Iran tiết lộ đã từng bị cơ quan an ninh cảnh báo việc chia sẻ thông tin về bệnh nhân COVID-19 “sẽ tạo ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia khiến quần chúng hoang mang” và sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Một nhà dịch tễ học giấu tên ở Tehran cũng xác nhận các nhân viên phòng xét nghiệm của ông thường xuyên bị đe dọa thẩm vấn và bắt bớ nếu cố tình cung cấp thông tin cho truyền thông. “Thật đáng hổ thẹn khi chính quyền biến COVID-19 thành vấn đề an ninh quốc gia, chính quyền đang gây thêm áp lực và căng thẳng cho các y bác sĩ, tạo ra môi trường hỗn loạn và sợ hãi” - ông này cho biết.
“Các quan chức không chịu thừa nhận rằng COVID-19 đã xuất hiện tại Iran trong suốt một tháng và sau đó đánh giá thấp tác động của dịch bằng cách nói với mọi người rằng nó chỉ giống bệnh cúm. Các quan chức không muốn làm rõ tình hình vì lo sợ sẽ khiến người dân hoảng loạn nhưng càng làm thế thì dịch sẽ càng lan rộng và đất nước sẽ càng tê liệt” - một bác sĩ giấu tên ở tỉnh Khuzestan nói.
Ít nhất hai nghị sĩ đã công khai cáo buộc chính quyền che giấu các trường hợp tử vong vì COVID-19 bằng cách điền nguyên nhân khác trên giấy chứng tử. “Các bác sĩ tại bệnh viện Kamkar và Foghani viết nguyên nhân tử vong là do suy hô hấp. Nhưng họ biết rất rõ rằng bệnh nhân chết trong khu cách ly” - nghị sĩ Ahmad Amirabadi tuyên bố hồi đầu tháng 3.
Tính đến 20 giờ ngày 20-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia TQ ghi nhận toàn thế giới có 10.285 người tử vong vì COVID-19, 243.162 ca nhiễm. Đại dịch hiện đã lan ra hơn 183 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết có 85.815 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị thành công. |
Khủng hoảng chồng khủng hoảng
Ngoài ra, The Washington Post cũng ghi nhận dịch COVID-19 bùng phát ở Iran đúng vào thời điểm nước này đang gặp nhiều khó khăn, cả kinh tế lẫn chính trị
Cụ thể, nền kinh tế Iran đã bị bóp nghẹt vì các lệnh trừng phạt của Mỹ. Quân đội suy yếu sau khi tướng Qassem Soleimani bị Mỹ hạ sát. Niềm tin của người Iran vào giới lãnh đạo đã suy giảm sau khi chính quyền xử lý mạnh tay một số cuộc biểu tình kể từ năm ngoái và thừa nhận muộn màng sự cố bắn nhầm máy bay chở khách Ukraine khiến 176 người thiệt mạng.
“Iran rơi vào hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác và phải cố vá víu khắc phục từng vấn đề. Do đó, Tehran đã đánh giá thấp tác động của COVID-19”, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chatham House (Anh) Sanam Vakil giải thích.
Ngoài ra, do phải phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc (TQ) khi đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ nên Iran cũng đã chậm chạp trong việc hạn chế đi lại với TQ khi dịch bắt đầu bùng lên ở Vũ Hán tháng 12-2019.
Sau đó, Tehran còn khoe về việc xuất khẩu khẩu trang cho TQ mà không ngờ rằng vài tuần sau đó là mặt hàng mà nước này rất cần. Động thái đó đã làm cạn kiệt nguồn cung khẩu trang của Iran, trong khi các quốc gia khác đang âm thầm dự trữ.
“Giờ đây, Iran lâm vào tình trạng thiếu khẩu trang và đó là hậu quả mà chính quyền nước này tự chuốc lấy” - chuyên gia Vakil kết luận.
Mỹ tiếp tục tăng cường trừng phạt Iran Ngày 19-3 (giờ địa phương), Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với năm công ty có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) với cáo buộc đã mua hàng trăm ngàn tấn sản phẩm dầu mỏ từ Iran, theo đài CNN. Trước đó hai ngày, Washington cũng trừng phạt chín thực thể tại Nam Phi, TQ đại lục và Hong Kong cùng ba công dân Iran vì đã tham gia vào hoạt động buôn bán các sản phẩm hóa dầu của Iran. Đại sứ Iran tại Tây Ban Nha Hassan Qashqavi sau đó lên tiếng chỉ trích các lệnh trừng phạt của Mỹ, cho rằng đây là nguyên nhân khiến Iran không thể mua được thuốc men và thiết bị y tế dù dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ ở nước này. Trong khi đó, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cũng kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế dành cho Iran. |