Cuộc sống “đặt hàng” chính sách hình sự

Sở dĩ cơ quan chức năng tỉnh này có động thái quyết liệt trên là do “thủ phạm” - Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi trước sau vẫn không nhận lỗi mà giải thích đây chỉ là “sự cố ngoài ý muốn”.

Vụ vi phạm này diễn ra khi chưa đầy một tháng trước đó, Cục Cảnh sát môi trường bắt quả tang Công ty Tung Kuang (Hải Dương) xả một lượng lớn chất thải không qua xử lý ra sông Ghẽ. Không chối cãi, ban lãnh đạo công ty nói “hành vi tới đâu, công ty sẽ chịu trách nhiệm đến đó, theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Vậy chúng ta đã và đang xử lý ra sao đối với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường? Vì sao khi dư luận còn chưa dịu bức xúc về vụ “Vedan” thứ nhất đã ngay lập tức phát hiện “Vedan” thứ hai, thứ ba, thứ tư…?

Lời đáp là pháp luật đã không thực hiện được một trong những nhiệm vụ của nó là bảo đảm tính “răn đe”, còn phản ứng của xã hội lại không đủ sức khiến cho doanh nghiệp nể sợ.

Thực tế, vụ kiện Vedan của các hộ dân sống dọc sông Thị Vải có vẻ đang đi vào ngõ cụt do hàng loạt mắc mứu chưa (và rất khó) được giải quyết trong khi thời hạn khởi kiện chỉ còn bốn tháng.

Còn vụ “đầu độc” sông Trà Khúc có thể được khởi tố là do có sự thay đổi về pháp luật hình sự. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã bỏ điều kiện “đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng” trong yếu tố cấu thành tội gây ô nhiễm môi trường. Nhưng khởi tố vụ án rồi thì cũng rất khó khởi tố bị can và truy tố ra tòa, bởi chính sách hình sự hiện hành của ta không truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân! Trong khi việc xác định trách nhiệm của cá nhân đối với một sai phạm mang tính tập thể là điều rất khó thực hiện.

Từ đó cho thấy việc xử lý những vụ “xả bậy” ra môi trường có sự bất lực của cơ chế, bất lực của chính quyền và cả sự bất lực của pháp luật.

Cuộc sống đang “đặt hàng” mà người dân thì chỉ biết ngóng chờ!

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm