Cựu đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh nói về viễn cảnh quan hệ Mỹ-Trung

(PLO)- Cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc cảnh báo quan hệ hai nước đang ở "điểm bùng phát" và hiện đang trên bờ vực xảy ra cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ và văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cựu đại sứ Washington tại Trung Quốc Max Baucus cảnh báo quan hệ Mỹ-Trung đang ở "điểm bùng phát", với việc hai cường quốc hiện đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ và văn hóa, tờ South China Morning Post đưa tin.

Nguy cơ chiến tranh lạnh về công nghệ và văn hóa

Theo cựu đại sứ, việc Mỹ tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Bắc Kinh, chủ nghĩa dân tộc gia tăng ở Trung Quốc là các yếu tố khiến quan hệ song phương đi xuống.

“Chúng ta đang ở điểm bùng phát. Xu hướng hiện tại này rất phức tạp và sẽ mất rất nhiều công sức để xoay chuyển tình thế” - ông Baucus phát biểu tại sự kiện trực tuyến do Quỹ Chính sách Mỹ-Trung Quốc tổ chức.

Ông Baucus từng là đặc phái viên của Tổng thống Barack Obama tại Trung Quốc từ năm 2014-2017, nhằm giám sát các nỗ lực xây dựng các con đường hợp tác với Bắc Kinh, giữa lúc căng thẳng xung quanh các vấn đề về quyền con người và tranh chấp ở Biển Đông đang gia tăng. Tuy nhiên, quan hệ song phương Mỹ-Trung nhanh chóng lao dốc dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Ông Baucus cho biết: “Quan hệ song phương đã tuột dốc khá nhanh trong vài năm qua và ngày càng trở nên tồi tệ. Tôi đã nghĩ quan hệ hai bên đã chạm đáy dưới thời ông Trump và ông Biden, nhưng sự thật là mối quan hệ này vẫn trên đà lao dốc.”

Trong khi Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), thì Mỹ đang hình thành các liên minh ở châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông Baucus bày tỏ lo ngại rằng hiện Washington và Bắc Kinh đang “cô lập nhau và chia thành hai phe lớn riêng biệt.”

“Có vẻ chúng ta đang ngày càng tiến tới một kiểu chiến tranh lạnh. Đó không phải là chiến tranh lạnh hạt nhân mà là chiến tranh lạnh về công nghệ, chiến tranh lạnh về văn hóa” - ông cho biết.

Cảnh báo của ông trùng hợp với chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Mỹ Latinh, nơi Washington tăng cường giám sát tham vọng phát triển sức mạnh tài chính của Bắc Kinh thông qua các dự án đầu tư.

Phát biểu trước chuyến đi, một quan chức Mỹ cho biết ông Blinken sẽ kêu gọi Panama tiếp tục "nhìn rõ" về cách mà Trung Quốc và các công ty Trung Quốc tham gia vào cơ sở hạ tầng 5G và "sử dụng cơ sở dữ liệu" của nước này.

Sự sụt giảm nghiêm trọng các chuyến thăm và liên lạc giữa quan chức hai bên

Các quan chức Mỹ cũng đang bày tỏ quan ngại đối với một hiệp ước an ninh mới nổi giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon, một thỏa thuận có thể cho phép tàu chiến Trung Quốc quá cảnh ở đảo quốc này, theo một bản dự thảo bị rò rỉ trên mạng xã hội.

Các cuộc đàm phán trong tuần này giữa các quan chức từ Mỹ, Nhật, Úc và New Zealand cho thấy cả 4 quốc gia đều quan ngại về “những rủi ro nghiêm trọng đối với một ADD-TBD tự do và rộng mở” do hiệp ước an ninh này gây ra.

Trong khi đó, Bắc Kinh cáo buộc Mỹ “kích động đối đầu giữa các khối” trong khu vực. Ngày 19-4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cảnh báo rằng “những nỗ lực can thiệp và cản trở sự hợp tác giữa các quốc đảo Thái Bình Dương và Trung Quốc sẽ vô ích”.

Bên cạnh đó, việc Bắc Kinh từ chối công khai lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã làm tăng thêm căng thẳng cho quan hệ Mỹ-Trung vốn đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.

Đối mặt với tình trạng hiện tại, ông Baucus hôm 19-4 đã kêu gọi hai bên hãy "chú ý" hơn đến những gì người đồng cấp của họ đang nói, đồng lời lên án sự sụt giảm nghiêm trọng các chuyến thăm và liên lạc giữa các quan chức hai nước trong những năm gần đây.

Ông chỉ trích những gì ông mô tả là xu hướng tuân thủ cứng nhắc các điểm thảo luận và hạn chế quyền tiếp cận đối với các nhà ngoại giao Mỹ của các quan chức Trung Quốc. Đồng thời, ông cũng lên tiếng phản đối luận điệu chính trị chính thống ở Mỹ rằng sự hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc sẽ khiến họ trở nên “giống Mỹ hơn”.

“Người Mỹ có xu hướng nghĩ rằng họ điều hành thế giới tốt hơn so với những nước khác và đó là một quan điểm ngạo mạn” - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm