Trong chương trình HĐND với cử tri Đà Nẵng sáng nay (10-11), cử tri Trần Vĩnh Thái (quận Hải Châu) cho hay: Sau trận ngập lụt lịch sử ngày 14-10, trên nhiều tuyến đường thuộc địa bàn quận Hải Châu, hệ thống hố ga thu nước bị tắc nghẽn do đất và rác thải.
“Thậm chí các vật dụng đậy lấp miệng hố ga để ngăn mùi hôi, gây nên tình trạng ứ đọng, ngập nước cục bộ trên mặt đường khi trời mưa. Đề nghị các cấp công khai kế hoạch nạo vét định kỳ hệ thống mương cống trên địa bàn quận để nhân dân được biết, giám sát quá trình tổ chức thực hiện”- ông Thái nêu.
Đà Nẵng tổ chức chương trình “HĐND với cử tri” lần thứ ba. Ảnh: TẤN VIỆT |
Tương tự, cử tri Bùi Xuân Sơn (quận Thanh Khê) đề đạt, thời gian qua TP đã đầu tư nhiều công trình thoát nước chống ngập úng. Tuy nhiên gần đây thời tiết biến đổi bất thường, mưa bão xuất hiện nhiều và quy mô ngày một lớn hơn.
Đề nghị UBND TP đầu tư nâng cấp các tuyến cống thoát nước, đồng thời trang bị các phương tiện, công cụ thiết yếu cho các khu dân cư để người dân có thể chủ động, tự ứng cứu khi có bão, lũ.
Biển nước trong đêm 14-10 ở trung tâm TP Đà Nẵng. Ảnh: HẢI HIẾU |
Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng cho hay, hệ thống thoát nước của TP được tính toán theo tần suất ngập lụt 1%, tức dành cho mưa lớn 100 năm xuất hiện một lần.
Trận mưa ngày 14-10 vượt khỏi tính toán lâu nay, một số chuyên gia cho rằng phải 500 năm mới lặp lại một lần. Ngoài ra, khí hậu ngày càng cực đoan, như triều cường lâu nay TP ít nghĩ đến nhưng vừa rồi mực nước triều lên hơn 3 m.
Ông Tiến cho rằng việc thiết kế, bố trí các trạm bơm thoát nước còn nhiều tồn tại. Các tủ điện nằm trong khu vực ngập sâu dẫn đến mất điện nên cần rà soát để bố trí lại.
Theo ông Nguyễn Văn Duy, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu thì có thực tế là người dân buôn bán trên các tuyến đường thường xuyên lấp miệng hố ga để ngăn mùi. Do vậy ngành chức năng cần nghiên cứu thay đổi kết cấu nắp hố ga nước để ngăn mùi hôi xộc vào nhà dân mà lại đảm bảo việc thoát nước.
Đà Nẵng ra quân nạo vét cống rãnh sau trận ngập lụt lịch sử. Ảnh: NGÔ QUANG |
Trao đổi về vấn đề trên, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, trận ngập lụt lịch sử vừa qua có ba nguyên nhân chính. Một là triều cường, hai là lượng mưa quá lớn như các chuyên gia đã tính toán. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật một số nơi chưa đồng bộ, chưa khớp nối hoàn chỉnh do một số dự án chưa triển khai.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị TP rà soát lại quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước cùng với điều chỉnh quy hoạch phân khu.
Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động ý thức người dân trực tiếp tham gia việc khơi thông cống thoát nước ngay trước nhà mình. Hàng năm Đà Nẵng có thể tổ chức tuần lễ khơi thông cống thoát nước và vệ sinh đô thị.
Ông Triết cũng đề nghị TP ưu tiên bố trí kinh phí mua sắm phương tiện cứu hộ cứu nạn trong mưa lũ. Đồng thời có giải pháp căn cơ chống sạt lở tại các đồi núi sau bài học tại nghĩa trang Hòa Sơn.
Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho hay, hệ thống thoát nước của TP bắt đầu được quan tâm đầu tư nhiều từ năm 1995. Hiện, mạng lưới thoát nước đô thị của TP dài khoảng 1.800 km. Trong đó có 40 km được xây dựng từ trước năm 1994.
“Người dân đậy nắp hố ga ngăn mùi hôi là một trong những nguyên nhân gây ngập cục bộ đô thị. Thời gian tới ngành xây dựng sẽ thay thế thiết kế nắp hố ga để giảm thiểu tình trạng này. Ngoài ra đề nghị các địa phương xử lý nghiêm hành vi đổ chất thải xây dựng vào cống thoát nước”- ông Phong nói.